Một Số Tập Tục Cưới Hỏi Theo Truyền Thống

Các cụ khi xưa đã có câu “Trai khôn dựng vợ, gái khôn gả chồng”. Từ cổ chí kim HÔN – NHÂN bao giờ cũng được xem là việc quan trọng của cả một đời người. Khi hai gia đình nhà trai, nhà gái quyết định tác hợp cho hai trẻ nên vợ nên chồng và tiến hành các thủ tục cưới hỏi. Ngoài ra, trong còn có các tập tục cưới hỏi trong thời gian trước hay sau lễ cưới.

Tập tục cưới hỏi được giới thiệu dưới đây với giúp mọi người tham khảo và hiểu rõ hơn về tập tục trong cưới hỏi truyền thống của cha ông.

Lệ đi sêu

Những chàng trai đã dạm vợ hoặc hỏi vợ nhưng chưa cưới, được coi gần như là một thành viên của gia đình và có bổ phận phải đi sêu trong những dịp Tết. Chú rể phải thường xuyên đi lại thăm nom khi nhà cô gái có người đau yếu. Hoặc giúp công sức khi nhà cô gái có việc.

Ngày giỗ thì lá trầu quả cau. Ngày Tết thì mười cân đường ta đóng bao, buộc lạt nhuộm đỏ đặt lên mâm đồng. Tóm lại là mùa nào thức ấy. Tháng Ba sêu vải, tháng Năm dưa hấu đường, đậu xanh, ngỗng; tháng Bảy mãng cầu, nhãn; tháng Chín cốm, hồng, gạo mới, chim ngói; tháng Chạp cam, mứt, bánh cốm.

Bao giờ nhà gái cũng lấy một nửa, còn một nửa lại quả cho nhà trai. Ngày xưa, hỏi vợ chưa sêu tết mà đã xin cưới là khiếm nhã, bị mọi người chê cười. Đối với những nhà nghèo, nhà trai chỉ cần sêu vào ngày tết Nguyên Đán. Khi nhà gái có việc như bốc mộ, cưới hỏi, tang ma…, chú rể không bắt buộc phải đóng góp, chỉ cần lễ mọn như mọi người mà thôi.

Nếu hai bên đồng ý thì hai họ chuẩn bị lễ cưới. Nếu cô gái chê chàng trai thì nhờ bà mối đánh tiếng xin trả lễ.

Một số tập tục cưới hỏi đặc biệt

Khi đón dâu về, cô dâu trong ngày cưới ăn mặc rực rỡ, sợ thiên hạ quở quang, cô dâu phải gài vài cái kim vào tà áo. Phòng có ai độc mồm độc miệng thì đã có kim ấy trấn áp đi. Có nơi lại đặt hỏa lò, đốt than hồng để ở giữa cửa, để cô dâu vào bước qua tránh sự rủi ro xúi quẩy.

Trong khi cưới và lúc đưa dâu lại có tục đóng cổng giăng dây. Lúc nhà trai đem lễ cưới đến nhà gái, hoặc trẻ con trong nhà hoặc người nhà đóng cửa lại không cho vào. Nhà trai phải cho chúng ít tiền gọi là tiền mở hàng thì chúng mới mở cửa.

Hoặc trong lúc đi đường, có người lấy sợi dây, mảnh lụa đỏ giăng giữa đường, nhất là tại cổng làng. Đám cưới đi đến, phải nói tử tế và cho họ ít tiền thì họ mới bỏ sợi dây đi để cho đi qua.

Có chỗ biết là đám cưới nhà giàu, họ bày hương án lịch sự, chờ cho đám cưới đến đốt một bánh pháo để chăng dây. gặp trường hợp này, phải có nhiều tiền thì họ mới chịu thôi. Nếu nhà trai cư xử bủn xỉn thì họ cắt sợi dây chăng ra làm đôi. Có khi ăn nói bậy bạ làm mất cả vui vẻ.

Tìm hiểu thêm về “Những Phong Tục Cưới Hỏi Theo Truyền Thống”

Nộp cheo

Theo tập tục cưới hỏi ở nước ta, khi có việc cưới xin, bên nhà trai phải nộp tiền cheo cho làng xã ở bên nhà gái. Đây là một dạng cổ tục. Có nhiều hạng cheo như cheo làng, cheo hàng giáp, cheo xóm, cheo họ. Số tiền cheo tùy theo quy ước của từng làng, từng giáp, từng xóm và từng họ. Nhưng thường là xưa kia chỉ mất độ một đồng bạc hoặc năm ba hào.

Nếu cô dâu chú rể là người cùng làng thì tiền cheo sẽ giảm bớt. Đây là số tiền nhỏ giúp cho làng để làm việc công ích như sửa sang đình làng, xây giếng, làm đường… Khi nộp cheo cho làng, tức là cô dâu chú rể đã được làng công nhận, có kèm theo giấy điểm chỉ hẳn hoi. Tờ nộp cheo có thể thay thế cho giấy đăng ký kết hôn, là một tờ hôn thú.

Tại nhiều vùng thôn quê khi xưa, việc nộp cheo là việc bắt buộc. Không nộp cheo thì việc rước dâu có thể bị làng xóm ngăn cản quyết liệt.

Lễ đặt nồi

Xưa kia, ở nhiều vùng có tục con gái khi xuất giá, không được tự ý bắc nồi lên bếp nhà chồng.

Việc cưới xin đã xong, cô dâu chú rể chọn ngày tốt, cùng ra đồng bắt ốc làm lễ đặt nồi. Ốc bắt được đem về nhà, rửa sạch rồi đổ vào nồi. Mẹ chồng và cô dâu mỗi người một tay nâng nồi ốc đặt lên bếp.

Sau đó, bà mẹ khấn vái xin thần bếp cho cô dâu từ nay được quyền tự do làm mọi việc trong bếp. Và cũng kể từ ngày có lễ này, cô dâu chú rể mới thật sự được ăn ở với nha.

Vợ cả vợ lẽ

Người vợ mà cha mẹ cưới cho lần đầu gọi là vợ cả. Có trường hợp người con trai đi làm ăn xa nhà rồi tự ý lấy vợ, chưa được sự đồng ý chấp thuận của cha mẹ và họ hàng thì người vợ do cha mẹ cưới cho sau này vẫn được coi là vợ cả, còn người vợ lấy trước phải chịu phận làm em.

Trai còn ít tuổi lấy vợ hai còn là con gái thì thường nộp cheo và cưới hỏi hẳn hoi. Nhưng nếu họ đã luống tuổi, người đàn ông lấy thêm vợ hai, vợ ba thường không phải nộp nữa.

Đọc thêm bài viết “Các Thủ Tục Cưới Hỏi Theo Phong Tục Truyền Thống”

Hôn nhân vô hiệu lực

Việc cưới xin theo tục lệ bao giờ cũng có hiệu lực. Tuy nhiên có chín trường hợp sau đây thì mặc dù hôn lễ đã cử hành thì vẫn coi là vô hiệu lực.

  • Mạo hôn (tráo hôn)
  • Đem vợ, đem nàng hầu cầm cho người ta làm vợ, làm nàng hầu. Hoặc đem vợ, đem nàng hầu giả làm chị em để gả cho người khác.
  • Đem vợ lẽ làm vợ cả. Hoặc có vợ cả rồi lại cưới vợ cả nữa.
  • Trong lúc có đại tang lại cử hành hôn lễ.
  • Bà con họ hàng lấy nhau.
  • Làm chức quyền ở một nơi n ào đó, rồi dùng quyền hành ép người nơi đó phải lấy mình.
  • Lấy đàn bà có tội đi trốn.
  • Thầy tu lấy vợ.
  • Một phụ nữ lấy hai chồng.

Tráo hôn

Tráo hôn là một tệ tục đánh tráo người này vào người khác trong việc cưới xin.

Nhiều gia đình có con trai hay con gái xấu xí và tật nguyền không thể cưới vợ và gả chồng được. Liền nhờ mai mối khéo léo để đến khi cưới thì tráo hôn. Muốn như vậy, trong khi xem mặt, dù con trai hay con gái đều dùng người khác thay cho đương sự, kể cả khi đưa rể đón dâu.

Đối với các chàng trai, khi động phòng đèn nến tắt hết, chú rể chính thức sẽ thành thân với cô dâu. Sáng hôm sau, khi ván đã đóng thuyền, cô dâu phải đành cam phận. Tráo hôn đối với cô dâu thì khó hơn.

Nhưng khi nhà gái đã muốn thì nhờ bà mai mối nói thẳng với cha mẹ chú rể để đám tráo cô dâu sau lễ tơ hồng. Thường những đám cưới này, lễ rước dâu cử hành muộn và lúc lễ Tơ hồng xong, các phù dâu đưa cô dâu vào phòng rồi một trong số các cô phù dâu biến thành cô dâu chính thức ở lại động phòng cùng chú rể.

Tái giá

Theo phong tục, cha mẹ chỉ gả con gái một lần, lần sau cha mẹ không tham gia. Người đàn bà tái giá có hai trường hợp: hoặc chồng chết hoặc do ly hôn.

Khi hai vợ chồng chưa có con với nhau thì “trai chê trai bỏ, gái chê gái đền”. Nếu “gái chê”, nhà trai thường bắt nhà gái phải đền số tiền gấp hai, ba lần số tiền nhà trai bỏ ra để tổ chức đám cưới, sêu tết… Khi hai vợ chồng đã có con với nhau, mà bỏ nhau thì con và mọi thứ của cải đều thuộc về chồng, trừ “ruộng hoa nữ” và đồ nữ trang nhà gái sắm cho cô dâu.

Người con gọi người mẹ bị cha bỏ là “xuất mẫu”. Nếu sau này đôi vợ chồng đã ly hôn lại làm lành với nhau thì không gọi là tái giá. Nhưng trước khi trở về sống chung thì phải làm lễ tạ gia tiên nhà chồng và cha mẹ chồng.

Nếu chồng chết, phải chờ ba năm đoạn tang, người phụ nữ mới được tái giá. Người mẹ góa lấy chồng khác gọi là giá mẫu.

Trước khi tái giá, người phụ nữ phải lo liệu cho chồng cũ được “mồ yên mả đẹp”, làm lễ tạ chồng cũ, khấn cầu chồng cũ phù hộ. Nếu cha mẹ chồng vẫn còn thì phải đem trầu, rượu đến lễ tạ và xin phép được đi bước nữa. Đứa con (nếu có) vẫn thuộc bên nội, muốn đem con đi thì người phụ nữ phải cin phép cha mẹ hoặc chú, bác của chồng.

Phong tục ở rể

Những gia đình chỉ sinh con gái, cha mẹ thường có ý lựa chọn xem chàng trai nào hiền lành, khỏe mạnh, chăm chỉ. Và đặc biệt phải là con thứ (không có nhiệm vụ thờ cúng Tổ tiên) thì cho ở rể.

Nhà gái bắn tin gả con và gây dựng cho chàng rể ấy để nương tựa lúc về già, hương khói lúc nằm xuống. Vì vậy, nhiều khi nhà gái không đòi hỏi về chi phí đám cưới. Cưới xong, chú rể đến ở nhà vợ và trở thành một thành viên chính thức trong gia đình.

Số phận chàng rể như vậy được coi là may mắn, nhưng không phải chàng trai nào cũng thích thế. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ở rể lại là may mắn khi gia đình nhà vợ khá giả, quan hệ hai gia đình tốt đẹp, quan hệ giữa chàng rể với gia đình bên vợ hòa hợp.

Xưa kia, ở rể thường là trường hợp của những thư sinh nghèo nhưng hiếu học, học giỏi, có chí, được thầy học là những ông nghè, ông cống, ông tú… yêu mến và gả con gái cho.

Xem thêm “Phong Tục Cưới Hỏi Truyền Thống Của Người Việt”

Cắt tiền duyên

Theo tập tục cưới hỏi khi xưa, lúc những người con trai hoặc con gái, không kém cỏi gì về mặt tài sắc, đã ba lần có ý định kết duyên nhưng vì một lý do nào đó mà chuyện không thành, người ta thường cho là do chuyện tiền thê tiền phu.

Nghĩa là kiếp trước người ta đã có vợ hoặc có chồng nhưng đôi bên ngang trái không sống cùng nhau trọn kiếp, cho nên người chồng  (hoặc người vợ) kiếp trước chưa đi đầu thai còn theo ám ảnh. Trong trường hợp này, cần phải cúng giải sự theo đuổi của vong hồn người khuất, gọi là lễ cúng cắt tiền duyên.

Trong khi làm lễ này, người ta thường tụng
kinh siêu độ cho những người này. Lễ vật cúng mỗi nơi mỗi khác nhưng thường
trong đám đồ mã (để đốt khi lễ xong), thường có một hình nhân thế mạng (là nam
hoặc nữ) để “cưới” cho vợ hoặc chồng kiếp trước của người làm lễ để họ không
còn gây cản trở trong việc hôn nhân ở kiếp này.