Những Phong Tục Cưới Hỏi Theo Truyền Thống

Việc cưới xin theo phong tục cưới hỏi truyền thống được tiến hành với rất nhiều nghi lễ. Vì quan niệm cưới hỏi là một trong ba việc lớn đối của đời người. Cho nên tập tục cưới xin cũng được tổ chức khá rình rang và tốn kém. Kèm theo đó phải tuân thủ theo nhiều lễ giáo phong kiến rất khắc khe.

Ngày nay, nhiều đám cưới tổ chức theo nếp sống mới, giúp cho đôi vợ chồng trẻ và hai họ không phải vất vả, không tốn kém tiền bạc. Mà còn đem lại niềm vui, hạnh phúc thật sự cho vợ chồng mới.

Phong tục cưới hỏi được giới thiệu dưới đây với mục đích giúp mọi người tham khảo, hiểu rõ hơn về tập tục cha ông xưa.

Phong tục Thách Cưới

Ngày xưa theo phong tục cưới hỏi, việc thách cưới là một lệ tục trói buộc cả nhà trai lẫn nhà gái. Có khi làm cho chàng rể tương lai phải bỏ cuộc. Nhưng thiệt thòi nhất lại thuộc về cô gái.

Đáng lẽ đôi trai gái nên vợ nên chồng, thành gia thành thất, nhưng gặp phải gia đình bên nhà gái khó tính. Khi thách cưới nào là quần áo, rượu bánh, lợn gà, nào là nhẫn, xuyến, hoa tai, tiền vàng. Lại còn tính cả cỗ cưới bao nhiêu mâm nên nhà trai đành phải bỏ cuộc.

Cũng có đám, nhà trai cố gắng chạy ngược chạy xuôi, lo xong việc rồi kéo cày trả nợ. Hoặc nhà gái túng thiếu không thể tự lực cung cấp cho đủ cái lệ làng “trả nợ miệng”, đòi hỏi nhà trai phải lo chu toàn.

Cũng có những gia đình có học thức lại
không thách tiền của, mà thách chữ nghĩa văn chương với ý đồ chọn rể học hành,
hy vọng tương lai con gái mình được vinh hoa phú quý.

Lễ Chạm ngõ (nạp thái)

Sau khi đôi bên trai gái đã thỏa thuận việc cưới gả, người mối sẽ hẹn ngày với bên nhà gái để đưa người chủ hôn (cha mẹ) bên nhà trai và chú rể, đem lễ vật trầu cau đến nhà gái xin đính ước.

Muốn chạm ngõ phải chọn ngày tốt, tức là ngày âm dương bất tương, thì vợ chồng sau này mới tốt lành. Khi đã xác định được ngày tốt, nhà trai sắm lễ mọn cúng Tổ tiên để báo về công việc hệ trọng đối với chàng trai.

Nhà nghèo thì chỉ có bát nước, nén hương, nhà khá giả thì mổ gà, thổi xôi để cúng. Sau đó nhà trai sửa soạn một lễ mang sang nhà gái. Đó là một cơi trầu têm cánh phượng, cau bổ tư bẻ cánh tiên.

Nhà giàu thì đưa lễ cả buồng cau, mười mớ trầu, mứt sen, trà lạng đựng trong mấy quả sơn son thiếp vàng. Có nơi ngoài cau, rượu, nhà trai thường biếu bánh khảo hay vài thứ bánh được ưa chuộng. Dầu lễ vật nhiều hay ít, nhưng cái chính là lòng thành của nhà trai.

Dẫn đầu đoàn người đi ăn hỏi bao giờ cũng gồm bà mối, bà mẹ, bà dì, bà cô của chú rể. Các cô gái chưa chồng ở trong họ thường đội các mâm quả hoặc bưng khay trầu đi trước, sau đó là nam giới và chú rể.

Trong phong tục cưới hỏi, lễ được chia làm hai phần. Phần nhiều được đặt lên bàn thờ và cha của cô dâu sẽ khấn vái Tổ tiên về ngày mà con cháu họ sắp lập gia đình. Phần còn lại sẽ đưa về nhà ông cậu của cô gái để làm lễ gia tiên bên ngoại. Trước khi nhà trai ra về, nhà gái thường sẻ một phần lễ biếu lại nhà trai, gọi là lại quả.

Có những gia đình không có lễ chạm ngõ. Lễ
chạm ngõ được coi như cùng lễ ăn hỏi. Theo lệ xưa, lễ chạm ngõ có đưa một tờ
hoa tiên, ghi tên tuổi và ngày sinh tháng đẻ của người con trai để nhà gái xem
xét và chấp nhận cho việc đính hôn ấy.

Lễ chạm ngõ mới chỉ là việc đính ước lúc ban đầu, để từ đó bên nhà trai có thể thường đi lại với bên nhà gái. Cũng để tỏ tình thân mật và bàn tính đến lễ ăn hỏi sau này. Nếu vì lý do nào đó mà đôi bên không muốn cưới gả nữa thì cũng không có vấn đề trách nhiệm nếu chưa chính thức ăn hỏi.

Xem thêm bài viết “Các Thủ Tục Cưới Hỏi Theo Truyền Thống Của Người Việt”

Lễ Ăn hỏi

Đây là một lễ trọng thể có tính cách chính thức trước khi cưới. Người mối đưa cha mẹ nhà trai, chú rể và mấy người họ hàng thân thuộc. Đem theo lễ vật như trầu, cau, trà, mứt hay bánh đến nhà gái, để nhà gái làm lễ cáo gia tiên.

Sau đó, nhà gái đem các phẩm vật này ra chia phần cho các bạn hữu và họ hàng thân thuộc để tỏ rõ là mình đã quyết định gả con gái rồi, không thay đổi gì nữa. Tại miền Nam thường có tục nhà trai trình trước hai họ ngay trong lễ ăn hỏi những món sính lễ quan trọng như hoa tai, nhẫn.. để được nhà gái chấp nhận và tuyên bố ưng thuận sự hứa hôn.

Lễ ăn hỏi cũng lại phải xem chọn ngày và phải theo đòi hỏi của nhà gái, đủ cau, trà biếu khắp nội ngoại, bạn bè. Ở quê, lễ ăn hỏi chỉ cần một, hai chai rượu, cau trầu đủ để biếu. Mỗi phần biếu ba quả, ít thì chia một quả.

Những nhà giàu thì bày vẽ mỗi phần biếu một bánh chưng, một bánh dày, một gói nem, một gói trà có thể pha chừng vài ba ấm, bốn quả cau, bốn lá trầu. Ngày nay, lễ ăn hỏi ở nhiều nhà còn kèm thêm thuốc lá, vài trăm bánh cốm. Khi nhà trai không thể cung ứng đủ lễ mà nhà gái muốn đẹp mặt thì phải đi mua thêm.

Với những nhà giàu ở thành thị, lễ gồm có một quả phù trang để trà, chóe rượu, bánh chưng, bánh dày, heo quay, xôi gấc với sáu đến tám mâm đựng cau trầu, trên phủ vải đỏ.

Những người đi đưa lễ đều vận áo dài, khăn đóng, thắt lưng nhiễu điều bỏ múi bên ngoài áo. Ở thôn quê, mọi việc được tiến hành giản dị hơn, ít thì người ta đội trên đầu, nhiều thì gánh.

Theo phong tục cưới hỏi, sau lễ ăn hỏi là việc bái hỷ và chia trầu. Mỗi lễ đem chia gồm lá trầu, một quả cau, chục hạt mứt sen, một ấm trà. Những thứ này được phong trong giấy hồng, gấp thành hình hộp vuông mỗi chiều khoảng 5-6cm, cao độ 2cm. Trên hộp vuông ấy người ta dùng giấy bạc trang kim cắt hình chữ hỷ dán lên trên.

Ngày nay, nhiều nhà chia lễ ăn hỏi, ngoài trầu cau, mứt sen, trà còn có thêm một chiếc bánh cốm. Đến từng nhà một, người chia lễ thường lấy trong làn ra cái đĩa, đặt lễ lên đãi và có mấy lời với chủ nhà về việc vui mừng của gia đình mình sắp tới. Kèm theo đó là một tấm thiếp mời đến dự ngày vui.

Ngoài ra, với những người thân còn có một tấm thiệp riêng mời dùng cơm chia vui với gia đình. Ngày xưa, thiếp mời là một tờ giấy đỏ có vẩy vài giọt nhũ vàng. Nhà trai kén người chữ tốt dùng mực Tầu đen nhánh để viết thiếp. Mỗi tấm thiếp khoảng 12 x 18cm, viết chữ cầu kỳ, bay bướm.

Đối với nhà nghèo thì việc này đơn giản hơn. Khi đi chia lễ ăn hỏi, người chia lễ mời miệng luôn: vào giờ này ngày này… gia đình chúng tôi cho cháu đi lấy chồng, mời… đến dự ngày cui cùng gia đình.

Trong lễ ăn hỏi, hai họ cùng xem ngày và định ngày cưới cho đôi trẻ. Đây là một ngày hệ trọng của đời người nên phải xem ngày, giờ rất kỹ lưỡng. Ngày xưa trong phong tục cưới hỏi, người ta chọn ngày cưới là ngày Bất tương, Thiên hỷ, Thiên đức, Nguyệt đức… Giờ cưới phải luôn luôn là giờ Hoàng đạo. Sau lễ ăn hỏi, thông qua b2 mối, nhà trai sẽ biết nhà gái thách những gì.

Nhà nghèo đưa lễ mặn, mỗi lễ gồm một con gà
và một đĩa xôi, cau và rượu, một đôi quan tiền. Nhà khá giả, con cái tiểu thư
hơn nên cũng thách nhiều hơn. Việc thách cưới này tùy thuộc từng gia đình. Sau
khi hai nhà bàn bạc thêm bớt và thỏa thuận xong, nhà trai sẽ định ngày dẫn lễ.

Sáng sớm, nhà trai làm lễ cáo gia tiên. Sau
đó đoàn dẫn lễ mang đồ lễ sang nhà gái. Đi đầu vẫn là những người mang trầu,
cau, bánh, hạt sen, trà; tiếp theo là đồ mặn như xôi, gà hoặc xôi, heo quay.
Xong việc dẫn lễ, cả nhà trai và nhà gái đều bắt tay vào việc chuẩn bị cưới.

Hiện nay lễ hỏi vẫn được áp dụng. Nhiều gia đình muốn giản tiện thì tổ chức lễ hỏi trước lễ cưới tầm hơn một tuần lễ cho tiện sắp đặt. Khi biếu quà bánh là gửi luôn thiếp báo tin lễ thành hôn/vu quy và thiếp mời dự tiệc cưới cho họ hàng và bạn bè.

Lễ nạp cát, thỉnh kỳ, nạp tệ

Ba lễ nạp cát, thỉnh kỳ, nạp tệ ngày xưa rất phổ biến trong phong tục cưới hỏi tại nước ta. Nhưng hiện nay hầu như đã được tinh giảm nhiều và gộp thành một lễ. Sau khi ăn hỏi, nhà trai đến nhà gái thương lượng với nhà gái về việc dẫn cưới. Như quần áo may cho cô dâu, tiền nong chi phí cho đám cưới và quyết định ngày lành tháng tốt để xin cưới.

Theo phong tục cưới hỏi thì trước khi muốn cưới, đôi bên nhà trai và nhà gái gồm người chủ hôn và cô dâu chú rể đều phải không có tang chế.

Đồ thách cưới bao gồm: gạo, heo hoặc trâu
bò dùng vào đám cưới; trà, cau, rượu, cùng vòng, nhẫn, hoa tai, quần áo, chăn
màn cho cô dâu. Kèm thêm tiền mặt để chi phí cho đám cưới. Việc thách cưới có
khi quá đáng làm cản trở cả việc hôn nhân xưa kia, ngày nay hầu như không còn
ai áp dụng.

Lễ từ đường

Làm trước lễ cưới vài ngày. Lễ vật gồm trầu,
cau, rượu và cỗ mặn là lễ vật mà nhà trai và nhà gái đều nên có.

Nội dung khấn: “Gia trưởng nhà trai cúng lạy Tổ tiên, kính cáo việc cưới vợ cho … là cô … , con ông bà … , và định ngày  … tháng … năm … làm lễ cưới, đón dâu, xin gia tiên chứng giám và gia phúc cho cô dâu chú rể”/. Sau khi bố (hoặc mẹ) cúng xong, chú rể làm lễ 4 lạy 3 vái.

Bố (hoặc mẹ) cô dâu cũng cúng lạy Tổ tiên. “… kính cáo việc cho con gái tên là … về nhà chồng tên là … , con ông bà … , vào ngày … tháng … năm … Xin gia tiên chứng giám và ban phúc.”

Phong tục Tạ ơn cha mẹ

Trong phong tục cưới hỏi, lễ này làm trước lễ cưới một ngày. Tại nhà trai, chú rể sắm một khay trầu, rượu đặt lên bàn, mời cha mẹ cùng ngồi lên ghế cao, rót hai ly rượu dâng  lên cha mẹ. Rồi vòng tay mà ngỏ lời cảm tạ ân đức của cha mẹ: “Công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ sánh với trời cao biển rộng, nay lại lo xây dựng gia đình cho con, ơn đức bao la, con biết lấy gì đền đáp, chỉ xin kính lạy để tỏ lòng biết ơn”; rồi lễ 2 lạy 3 vái. Cha mẹ cầm hai ly rượu uống cạn cùng lúc.

Tại nhà gái, cô dâu cũng làm lễ vật và lễ tạ
ơn cha mẹ mình như trên.

Cỗ cưới

Trước kia nhà gái thách cưới để thết đãi mọi
người trong họ. Cỗ cưới thường được tổ chức trước ngày cưới (đón dâu) một ngày
hoặc trong chính ngày cưới. Nếu mời ngày hôm sau họ cho là ăn cỗ “áp mông”
không ai đi cả.

Đối với nhà trai, trước ngày cưới phải bắc
rạp và thuê thợ nấu cỗ. Trước ngày cưới một hôm, thầy cỗ chở đến nhà trai một
cái nong, dao, đá mài; rồi heo, gà, gạo nếp, gạo tẻ; sau đó phải mổ heo, giã
giò. Cỗ cưới gồm bao nhiêu món là tùy thuộc vào kinh tế của từng gia đình.

Khách đến ăn cỗ thường mang theo đồ mừng đến. Tùy điều kiện của từng người và mối thân tình đối với gia chủ như tiền bạc, cau, rượu, trà, pháo, câu đối liễn hồng hay vóc điều.

Ngày nay, người đến dự cỗ cưới thường mừng tiền để trong phong bì kèm đôi lời chúc tụng. Việc này cũng có mặt tốt; cô dâu chú rể sau khi cưới không phải ôm lấy một đống đồ mừng mà họ không cần và được sử dụng số tiền mừng vào việc mua sắm những gì mà họ cần.

Tìm hiểu thêm về “Phong Tục Cưới Hỏi Theo Truyền Thống Của Người Việt”

Bánh phu thê (su sê)

Trong lễ cưới có nhiều lễ vật nhưng không
thể thiếu bánh phu thê (nguyên ngày xưa gọi là bánh phu thê nhưng sau đó nói chệch
thành su sê). Bánh làm bằng bột, đường trắng, dừa, đậu xanh. Sauk hi nhào nặn
hình tròn, bọc bằng hai khuôn hình vuôn bằng lá dừa (hoặc lá dứa, lá cau) úp lại
với nhau vừa khít; vỏ lá để nguyên không luộc để giữ màu xanh thắm.

Sở dĩ gọi là bánh phu thê vì đó là biểu tượng
của đôi vợ chồng phận đẹp duyên ưa, vuông tròn, xanh thắm, trong trắng mềm dẻo,
ngọt ngào; đồng thời cũng là biểu tượng cho đất trời (trời tròn, đất vuông) có
âm dương ngũ hành: vỏ xanh, ruột trắng, nhân vàng và buộc bằng sợi dây hồng.

Góp lễ cưới

Để giúp các gia đình cưới vợ cho con, xưa kia ở một số vùng có tục góp lễ cưới. Đầu năm, gia đình báo cho anh em, hàng xóm biết dự định cưới vợ cho con trai vào tháng nào. Thường là vào sau mỗi vụ thu hoạch.

Lần lượt các gia đình đóng góp các khoản: gạo nếp, gạo tẻ, đậu xanh, rượu hoặc tiền. Heo, gà thì gia đình tự lo liệu. Tục góp lễ cưới cũng giống như hội tương trợ, luân phiên các gia đình. Đây là một tục hay, cùng nhau lo dần, đến lượt mình đỡ phải lo những khoản chi tiêu lớn.

Lễ xin dâu

Lễ xin dâu thường rất đơn giản, trước giờ đón dâu, nhà trai có mấy người mang một cơi trầu, một be rượu đến xin dâu. Báo trước giờ mà đoàn đón dâu sẽ đến để nhà gái chuẩn bị sẵn sàng đón tiếp.

Cơi trầu, be rượu này nhà gái sẽ để lên bàn thờ để làm lễ cáo Tổ tiên, rồi hạ xuống đón quan khách đi đưa dâu. Đại diện này của nhà trai có thể là một người cô hoặc thím trong họ.

Y phục ngày cưới

Trong phong tục cưới hỏi ngày xưa, chú rể đội khăn lượt, mặc quần lụa trắng, áo cặp đôi. Trong cùng là áo trắng dài, ngoài phủ áo đoạn kép lót nhiễu xanh, hồng hoặc vàng hay áo gấm lam.

Con nhà giàu mặc áo cặp ba, ngoài cùng phủ thêm áo sa. Giày chú rể là giày kinh có thêu kim tuyến hoặc giày da bóng loáng. Có nhà giàu sang, trong lúc lễ gia tiên, tế tơ hồng, chú rể còn khoác thêm áo thụng xanh bên ngoài.

Cô dâu ở nông thôn mặc áo năm thân, trong áo nâu non, ngoài là áo the lót nhiễu xanh. Trong cùng là yếm lụa cổ sẻ (có đường thêu hình chân chim sẻ) hoặc cổ xây (cổ tròn may sẵn, đính vào yếm), màu mỡ gà hoặc đỏ tươi hơi thẫm. Lưng thắt chiếc thắt lưng sồi xe với đôi giải yếm lụa mỡ gà. Mặc váy lụa, đi dép cong (loại dép mũi cong, có một khuyết để xỏ ngón chân cái).

Cô dâu, cũng như các cô phù dâu, mang nón quai thao. Các cô dân tỉnh thành ăn mặc có khác một chút: mặc quần lĩnh thâm thay cho mặc váy, đầu vấn khăn nhung đen có đuôi gà. Áo mặc cũng là áo cặp đôi, áo bên trong màu trắng, ngoài có áo sa tanh, đoạn hoặc gấm.

Phù dâu

Xưa kia, người được chọn làm phù dâu phải là người cô, người dì hay chị em thân thiết của cô dâu. Được cha mẹ cô dâu ủy thác cho phù dâu để họ truyền kinh nghiệm làm dâu, làm vợ, làm mẹ cho con mình. Họ phải là người may mắn, tốt phúc, gia đình êm ấm, đề huề. Theo đúng phong tục cưới hỏi ngày xưa thì đám cưới không có phù rể.

Đám cưới ngày nay người ta thường chọn bốn phù dâu, bốn phù rể. Toàn nam toàn nữ thanh niên chưa vợ chưa chồng cốt để cho cô dâu có bầu có bạn và đám cưới thêm đẹp. Duy chỉ có điều các phù dâu phải ăn mặc giản dị hơn cô dâu, phải làm nền cho cô dâu đẹp hơn.

Phong tục thắp hương bàn thờ Gia tiên

Đây là một nghi thức lễ bên nhà gái trước
khi rước dâu. Họ nhà gái mời nhà trai vào nhà; nhà trai cho đặt đồ lễ lên bàn
thờ. Các chú phù rể bưng lễ vật đứng dàn hàng ngang trước mặt các cô phù dâu và
trao những mâm quả hay trap lễ vật. Các cô này đem lễ vật đặt lên bàn có thứ tự
ở trước bàn thờ gia tiên.

Lúc này là lúc nhà gái kiểm tra lại đồ thách cưới (tuy một phần đã được đưa từ mấy hôm trước để tiện cho nhà gái làm cỗ mời họ hàng). Sau khi kiểm đủ đồ lễ thách cưới, nhà gái cho thắp hương để chú rể và cô dâu cùng lễ gia tiên.

Đúng phong tục cưới hỏi và thờ cúng gia tiên thì không phải ai cũng có thể thắp hương  trong ngày lễ cưới được. Hương phải do bố (hoặc anh trai, em trai) cô dâu thắp. Nếu là anh trai hay em trai cô dâu thắp hương thì nhà trai lại phải tặng một món tiền gọi là tiền thắp hương.

Xem thêm “Văn Khấn Yết Cáo Gia Thần, Gia Tiên Khi Cưới Gả”

Lễ rước dâu

Thời xưa tại miền quê, ở cùng làng xóm với
nhau, người ta thường hay đi rước dâu vào ban đêm (thường gọi là “áo gấm đi
đêm”). Lúc đi phải chọn giờ tốt, nhất là giờ Hoàng đạo. Có nơi kiêng cữ cẩn thận,
cho một người đàn ông dễ tính ra đón ngõ trước để “Ra ngõ gặp trai”, cho mọi
người và mọi việc được vui vẻ dễ dàng.

Theo tục lệ xưa trong phong tục cưới hỏi, trong đám rước dâu, thường kén một cụ già hiền lành, vợ chồng song toàn, nhiều con cháu, cầm một bó hương hay đỉnh trầm đi trước. Kế đến là người dẫn lễ vật như mâm cau, bánh mứt, heo, rượu… Chú rể khăn áo chỉnh tề cùng với những người trong họ đi rước dâu. Nhiều nơi ở miền Bắc và miền Nam có tục lệ bố mẹ chồng không đi đón dâu hoặc có nơi chỉ có bố chồng đi đón.

Khi đoàn đón dâu đến ngõ nhà gái, phải sắp xếp, chỉnh đốn lại thứ tự: đầu tiên là một cụ già cầm hương cùng với một người đội lễ – thường là quả đựng trầu cau và rượu – vào trước.

Mâm lễ ấy được đặt lên bàn thờ, cụ già thắp hương vái, nhà gái vái trả lễ, rồi một vị đứng đầu họ nhà gái cùng ra đón đoàn xin dâu vào. Lễ này được tiến hành rất nhanh. Sau đó cô dâu cùng chú rể đến lạy bàn thờ gia tiên, xin Tổ tiên chấp nhận cho.

Cô dâu chú rể đem hộp trầu đi mời mọi người trong họ, người bề trên và cao tuổi mời trước. Khi mời, cô dâu phải chủ động mời trước để chú rể biết cách xưng hô. Trước khi về nhà chồng, cô gái đến lạy tạ ông bà cha mẹ. Cha mẹ thường ngồi sẵn ở phía cửa chính, ông bà (nếu có) thì ngồi ở ghế cao hơn.

Thông thường lúc ấy, cha mẹ cô gái cho con một vật gì đó làm kỷ niệm. Nhà giàu thì choa hoa tai, nhẫn cưới. Nhà nghèo thì cái quạt, cái gương soi. Dâu và rể còn phải đến nhà thờ Tổ bên họ nội và bên họ ngoại của cô dâu nữa.

Khi lễ gia tiên và các nhà thờ xong, chủ hôn bên nhà trai lại nói với chủ hôn bên nhà gái để cho cô dâu chú rể mừng tuổi ông bà cha mẹ vợ. Làm lễ mừng ngày xưa người ta trải chiếu để chú rể phải lễ bốn lễ ba vái. Nhưng sau chỉ dùng “hành tam khấu lễ”, nghĩa là ba vái mà thôi.

Việc lễ sống ông bà cha mẹ sau này được một số nơi bãi bỏ. Cũng có khi nhà trai xin cho chú rể được lễ ông bà cha mẹ cô dâu nhưng mà chính các vị này lại cho miễn lễ. Việc mừng tuổi xong, người chủ hôn đích thân ủy thác cho một vị lớn tuổi khác đưa chú rể đi chào tất cả họ hàng có mặt trong đám cưới rồi mới bắt đầu vào tiệc ăn uống.

Khi chàng rể chào ông bà cha mẹ vợ, các vị
này có vài lời dạy dỗ ban cho cả đôi vợ chồng và ban cho chú rể một món tiền mừng,
hay một đồ vật quý giá có giá trị, trong khi ấy, các vị ở trong họ hàng cũng có
mừng tiền cho cô dâu chú rể.

Khi tiệc xong, ông mối và ông chủ hôn nhà trai đứng lên nói với chủ hôn nhà gái là đã đến giờ tốt, xin phép cho được rước dâu. Sau đó, đoàn đón dâu lên đường về nhà trai. Trước cửa nhà trai thường đặt một lò than hồng, cô dâu phải bước qua để đốt vía dữ cô gặp trên đường.

Nhiều nơi còn có tục chăng dây. Khi gặp chăng dây, cụ già đi đầu đoàn đón dâu cho trẻ con mấy đồng để chúng gỡ dây đi vì sợ gặp phải chuyện “giữa đường đứt gánh”. Theo sau cọ dâu thường là mấy người đội những hòm đựng quần áo và đồ dùng riêng của cô dâu.

Đến ngõ nhà trai, pháo nổ giòn giã. Thường
người ta chọn loại pháo tốt, buộc từng hai bánh pháo vào với nhau làm một để nổ
cho giòn, tránh pháo tịt vì sợ gặp điều không may. Sau đó mẹ chồng dắt con dâu
vào nhà, đặt quan tiền và cái quạt lên bàn thờ rồi lễ gia tiên: bôn lạy, ba
vái.

Lễ xong, cô dâu cùng mẹ chồng bước vào buồng. Trong buồng có sẵn một đôi chiếu mới trải úp vào nhau. Người trải chiếu cho vợ chồng mới cưới cũng phải là người ăn nên làm ra, con đàn cháu đống. Nếu mẹ chồng đủ điều kiện như trên thì mẹ chồng tự trải chiếu, dọn giường cho cô dâu chú rể. Cô dâu nghỉ ngơi một lát, sau đó cầm hộp trầu đi mời khắp trong họ nhà trai.

Lễ đưa dâu

Khi đưa dâu, nhà gái cũng kén một ông già cầm bó hương hoặc đỉnh trầm đi trước, rồi bà con họ hàng dần cô dâu đi sau. Theo phong tục cưới hỏi thì bao giờ cũng có mấy cô cậu ngang tuổi với cô dâu và chú rể đi phù dâu phù rể. Thông thường cha mẹ không bao giờ đưa con gái về nhà chồng.

Khi về đến nhà trai thì ở ngoài cửa đã có hai người cầm cơi trầu chờ sẵn để đón mời quan khách nhà gái. Bà mẹ chồng đón dâu tại cửa đưa vào nhà, có thể cô dâu và chú rể làm lễ gia tiên ngay.

Nhưng cũng có thể người nhà và các phù dâu đưa cô dâu vào buồng riêng nghỉ ngơi một lát. Rồi người nhà lại đưa cô dâu chú rể vào lạy gia tiên, đưa đi lễ các nhà thờ của đôi cha mẹ chồng và làm lễ tơ hồng. Xong đâu đấy thì côn dâu chú rể vào mừng tuổi ông bà cha mẹ chồng, chào mừng họ hàng, như đã làm ở bên nhà gái trước đó.

Đến đây là xong nghi lễ về đưa dâu. Có khi nhà trai mời những người ở họ nhà gái ở lại ăn uống rồi mới ra về. Có khi nhà trai phải tiễn đưa họ nhà gái về đến tận nhà gái, những người này nói cho bố mẹ nhà gái biết việc đưa dâu đã chu đáo cả, rồi mới giản tán.

Nếu trong số người này có ai tạt ngang bỏ về trước thì cho là điềm không hay, là không đi đến nơi về đến chốn. Khi nhà trai đưa họ hàng nhà gái về xong xuôi rồi thì mới mở tiệc ăn mừng.

Đọc thêm bài viết “Lễ Tục Thờ Phụng Tổ Tiên Trong Gia Đình Người Việt”

Phong tục Mẹ không đưa dâu

Trong việc hôn nhân xưa kia, thường là “cha mẹ đặt đâu, con cái ngồi đấy”, nhưng thực tế ở nhiều gia đình, người cha quyết định mọi việc, người mẹ chỉ biết tuân theo.

Ngày con gái vu quy đáng lẽ là ngày vui nhất trong đời, nhưng mẹ con thường khóc lóc buồn tủi, hoặc vì bị ép buộc hoặc lo âu cảnh phải làm dâu, làm vợ. Hơn thế nữa, từ tấm bé chưa rời mẹ, nay bỗng dung mẹ con phải xa nhau. Người mẹ thương con cũng mủi lòng sụt sùi khóc.

Thế nên, có nhiều trường hợp, trong khi hai họ đang vui mừng thì hai mẹ con cắp nón ra về, tiệc tan, nhà trai chẳng tìm thấy cô dâu đâu nữa. Về sau người ta rút kinh nghiệm không để mẹ cô dâu đưa con gái về nhà chồng, dần dần bắt chước nhau trở thành tục lệ.

Ở một số địa phương còn có tục lệ cả người bố cũng không đưa con gái về nhà chồng. Nhưng với lý do hoàn toàn khác: con mình đã được gả bán cho người.

Lễ tế tơ hồng

Vì người ta cho việc vợ chồng nên duyên là
có ông Tơ bà Nguyệt định trước, cho nên phải lễ tạ ơn ấy và cầu họ phù hộ cho
ăn ở được trăm năm với nhau.

Sau khi đón dâu về, gia đình chú rể bày hương án ra sân, dùng lễ xôi, gà, trầu rượu, chủ hôn vào lễ trước rồi hai vợ chồng vào lễ sau, thường lệ có đọc văn tế. Văn tế Tơ hồng mỗi nơi viết một khác, không theo khuôn phép bắt buộc. Nhưng nội dung là ca tụng công đức ông Tơ bà Nguyệt se mối duyên lành cho đôi trẻ. Và mong ông bà phù hộ cho cô dâu chú rể ăn ở với nhau trọn tình trọn nghĩa đến đầu bạc răng long, sinh nhiều con đàn cháu đống.

Phong tục cưới hỏi này chỉ tồn tại trong một số gia đình ở nước ta, còn phần nhiều đại chúng thì bỏ qua. Về mặt đạo lý, lễ Tơ hồng biểu dương đạo vợ chồng, là một nghi lễ có ý nghĩa cao quý.

Cầm bình vôi tạm lánh

Xưa kia ở nhiều địa phương có tục cầm bình vôi tạm lánh. Khi con dâu vừa vào đến nhà, thì mẹ chồng cầm bình vôi tạm lánh qua nhà hàng xóm một lúc.

Theo quan niệm của người xưa, ý nghĩa của việc làm này là mẹ chồng đã xác định vai trò, trách nhiệm của con dâu về làm chủ. Bà sẵn sàng trao quyền làm mọi việc trong nhà cho con dâu.

Tuy nhiên, không có nghĩa là mẹ chồng đẩy hết trách nhiệm cho con dâu. Mà bà vẫn là người nắm quyền điều hành, vì bình vôi là một biểu tượng tượng trưng cho bà chúa trong nhà.

Nữ nắm quyền, ăn hiếp chồng

Xưa kia, cô gái về nhà chồng, sau mọi thủ tục lễ nghi, bước chân vào buồng cô dâu, việc đầu tiên là vội vàng ngồi vào nơi đầu giường. Và khi thay áo thì tìm cách vắt chườm lên áo chồng, sớm chừng này hay chừng ấy.

Vì bạn bè đi trước đã rỉ tai bảo làm như vậy để sẽ không bị chồng bắt nạt, mà trái lại sẽ bắt nạt được chồng. Có cô còn ngồi lì hàng giờ trên đầu giường vì nghĩ rằng càng ngồi lâu bao nhiêu thì uy quyền của mình sẽ càng thêm vững chắc bấy nhiêu đối với chồng sau này.

Tâm lý của phần đông các cô là thích bắt nạt chồng. Vừa bước chân về nhà người ta đã vội thực hiện mấy điều tâm niệm trên, rồi luôn tìm cách áp đảo. Buổi đầu bao giờ họ cũng áp dụng nhu đạo theo lối thông thường và hiệu nghiệm, đó là nhõng nhẽo.

Một khi đã hết thời nhõng nhẽo lại chuyển sang đòn phép khác là già họng lớn tiếng, chửi chó mắng mèo. Sợ tai tiếng vơi láng giềng và muốn cho yên nhà yên cửa nên đức ông chồng chỉ còn cách “im thin thít như thịt nấu đông”.

Kiêng kị trong cưới xin

Cưới xin là việc hệ trọng, có ý nghĩa quyết
định số phận cả đời người. Vì vậy, ít nhiều ai cũng tuần theo những tập quán
kiêng kị mà những thế hệ trước truyền lại.

Trước hết, người ta rất kị lấy vợ, gả chồng
cho con phải nhà sãi mõ, ngụ cư, con của gia đình bị bệnh hủi, bệnh lao, con
hoang, con của cô đầu, gái nhảy, con kẻ trộm cướp, lừa đảo, tù tội. Khi tìm vợ
cho con trai, người xưa còn kiêng chọn những cô gái có dị tật, không con hoặc
có những thói xấu: lăng loan, ăn cắp, ghen tuông.

Khi đã tìm được cô gái không vướng vào những
điều kiêng trên, bố mẹ chàng trai lại phải kén tìm người làm mối. Tìm người làm
mối thì người ta rất kị những người nào vợ chồng không song toàn, hoặc anh em,
bố mẹ người đó bất hòa, những người sinh con một bề.

Sau khi nhà gái đã đồng ý, nhà trai bèn tiến
hành so đôi tuổi với nguyên tắc là phải kị những tuổi xung nhau.

Ngày xưa, khi tiến hành đón dâu, người làng
họ nhà gái có tục bày trò chăng dây, bày hương án trên đường và đóng cổng làng.
Gặp tình huống này, đại diện họ nhà trai phải biện cơi trầu, mấy đồng bạc lẻ và
có lời xin những người làm việc trên đây. Người ta rất kị giải quyết vấn đề một
cách thô bạo, như cắt sợi dây, dẹp bỏ hương án, xô cổng vì cho rằng đó là điềm
không lành trong cuộc hôn nhân.

Việc kén chọn người đại diện cho họ nhà
trai và cho họ nhà gái cũng được người xưa rất chú ý. Người ta kị những người
sinh con một bề, những người có gia cảnh nghèo túng, nội trợ kém, những quan
(đàn ông không vợ), quả (đàn bà không chồng), bố con, vợ chồng, anh em bất hòa.

Nghi thức trải chiếu giường nằm cho cô dâu cũng tuân thủ tập quán kiêng kị giống như kiêng kị trong việc chọn người làm mối.

Đọc thêm bài viết “Nguyên Tắc Về Văn Tế, Văn Khấn Và Lễ Dâng Cúng”

Lễ hợp cẩn

Theo phong tục cưới hỏi, khi cô dâu chú rể vào phòng, ông cụ cầm hương hướng dẫn đoàn đón dâu của nhà trai trải chiếu cho cô dâu chú rể. Chiếu phải trải phẳng, kiêng trải lệch. Sau đó cụ rót hai chén rượu mời cô dâu chú rể uống, rồi ý tứ rút lui ra ngoài, khép cửa buồng lại. Cô dâu chú rể sẽ ăn cùng với nhau bữa cơm đầu tiên.

Tối hôm đó, khi nhập phòng, người chồng lấy
cơi trầu tế tơ hồng trao một miếng cho vợ, rót một chén rượu, mỗi người uống một
nửa, gọi là lễ hợp cẩn. Thời xưa, vợ lạy chồng hai lạy, chồng đáp lại bằng ba
vái để tỏ lòng tương kính.

Nhiều gia đình phong kiến thời xưa còn cho lót
giấy bản (giấy thám trinh) trong đêm tân hôn, để xem người con gái còn trinh tiết
hay không. Nếu còn trinh thì sẽ có mấy giọt máu trên giấy. Nếu không, trong lễ
lại mặt, nhà gái sẽ nhận được một cái đầu heo đã cắt tai, ngầm báo cho nhà trai
sẽ trả lại cô dâu vì đã mất trinh.

Những chiếc kim trừ tà

Lễ rước dâu sách gọi là “Lễ vu quy”, tức là
gái về nhà chồng. Đây là một trọng lễ và mọi sự cẩn thận đều được chú ý.

Trước khi cô dâu ra đi về nhà chồng, bà mẹ thường gọi cô vào trong buồng dặn dò thêm mấy điều cần thiết. Dúi cho cô dâu một số tiền đề phòng sau này tiêu dùng ở nhà chồng.

Bà lại cẩn thận cài vào tà áo cô chín chiếc kim khâu để trừ tà trong lúc đi đường. Và nhiều bà mẹ cẩn thận lại dặn riêng con về tác dụng của chín chiếc kim khâu này vào buổi động phòng hoa chúc. Vì chúng hữu dụng đặc biệt giống như trâm cài tóc.

Theo quan điểm của người xưa là có thể dùng để trị ngừa chứng “thượng mã phong”. Một bất trắc trong việc phòng the mà những người đàn ông quá say thường mắc phải.

Nếu người chồng mắc phải chứng này, người vợ không được hoảng hốt xô lật người chồng. Mà phải lấy trâm cài tóc hay kim nhọn đâm ngay vào đốt xương cụt thuộc trung tâm thần kinh kích dục để giải tỏa sự tắc nghẽn của hệ thần kinh tại đây, cho máu lưu thông trở lại. Làm như vậy , người chồng thở lại điều hòa và trở lại bình thường.

Lễ mệnh tiếu (ban từ)

Tại nhà trai, đặt một bình rượu ở nhà ngoài, cha mẹ ngồi hướng Tây, chú rể đứng vòng tay. Người cha rót rượu và ban huấn cho con: “Ngày mai con cưới vợ, lập gia đình, rồi có con có cháu, vậy phải giữ đạo cương thường, rèn luyện bản thân, xây dựng gia đình hạnh phúc, làm sao cho rạng rỡ gia phong”. Đoạn trao ly rượu cho con trai. Chú rể quỳ đỡ ly rượu và đáp lời: “Dạ con xin vâng mệnh!”, nhấp chút rượu, rồi lạy cha mẹ hai lạy ba vái.

Lễ lại mặt

Ngay sáng hôm sau ngày cưới, hai vợ chồng trẻ sẽ trở về nhà gái mang theo lễ vật để tạ gia tiên. Lễ này gọi là lễ lại mặt, có khi sau hai ngày hoặc bốn ngày – nếu ở xa mới về, gọi là nhị hỷ hoặc tứ hỷ.

Nhà nghèo thì ba lá trầu, ba quả cau, một nậm rượu. Nhà giàu thì có thêm mứt sen, bánh kẹo. Giàu hơn nữa thì có heo quay, xôi gấc làm lễ, lễ xong nhà gái đem chia và biếu cho những người thân trong họ. Ngày đó, bố mẹ vợ làm một mâm cơm để dâu rể cùng ăn.

Cưới chạy tang

Tục này thường được sử dụng trong những trường hợp bất đắc dĩ, bởi luật pháp xưa cấm nhà trai và nhà gái khi có tang thì không được làm lễ cưới gả. Vì vậy, hai họ có thể tổ chức cưới chạy tang.

Người chết chưa phát tang, chưa khâm liệm thì họ nhà trai mang lễ sang nhà gái xin cưới. Đám cưới được tiến hành chớp nhoáng trong vòng một hoặc hai ngày. Có thể không cần ngày tốt, nhưng phải là giờ hoàng đạo.

Cô dâu về nhà chồng được mấy tiếng thì gia đình bắt đầu phát tang và cô dâu cũng sẽ chịu tang. Sau đám cưới chạy tang, cô dâu chú rể không được “quan hệ” với nhau trong vòng 100 ngày.