Những Lễ Nghi Kiêng Kị Trong Việc Cúng Gia Tiên
Kiêng kị đối với bàn thờ
Bàn thờ là nơi thể hiện sự thành kính và tấm lòng của dân làng đối với Thành Hoàng, Phật Tổ; của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Do đó, cần phải chú ý những lễ nghi kiêng trong việc cúng kiếng.
Đối với bàn thờ gia tiên, bàn thờ Thành Hoàng, bàn thờ Phật, bàn thờ ở các ngôi đền, miếu, điện, người ta kị mọi người nhìn thẳng vào. Nên phía trước bàn thờ thường có y môn, hoặc bức mành, bức trướng. Còn bàn thờ ở gốc đa, bờ giếng thì không cần có y môn.

Ngày xưa, người ta thường thiết lập bàn thờ ở gian giữa ngôi nhà. Vì vậy, phải kiêng kê giường ngủ ở gian giữa, đối diện với bàn thờ. Người ta cũng kiêng không để những thứ lặt vặt, đồ gia dụng, áo quần, nón mũ lên bàn thờ. Lúc nào cũng phải giữ bàn thờ và đồ dùng được sạch sẽ.
Đọc thêm bài viết “Những Hiểu Biết Về Không Gian Thờ Cúng Hiện Đại”
Kiêng kị trong cúng kiếng đối với bát hương
Người xưa bao giờ cũng chăm nom bát hương rất cẩn thận, chu đáo. Hàng năm đến ngày tất niên, mọi nhà thay bát hương. Thường ngày, người ta kị kê dịch bát hương, kị để bát hương không đúng giữa bàn thờ. Kị đem đun chân hương, hay đổ tro bát hương ra đường; mà phải đổ xuống ao hồ, rồi thay tro (hoặc cát) mới vào bát hương.
Người ta cho rằng, tấm lòng thành kính của con cháu đối với tổ tiên và các vị thần linh được gửi gắm vào việc thắp hương và được thể hiện qua khói hương, tàn hương.

Thắp hương phải kiêng số chẵn và cũng kị việc cắm nén hương và bát hương không ngay ngắn. Các nén hương cùng thắp có chiều cao đốm lửa không bằng nhau. Khi muốn cho ngọn lửa ở các nén hương không bốc lên nữa; người ta kiêng thổi tắt mà dùng tay phẩy nhè nhẹ.
Kiêng trong việc cúng kiếng khi đốt vàng mã
Vào những ngày giỗ và vào dịp tết, các gia đình đốt vàng mã cho gia tiên và Thổ công, Thổ địa. Đồ hàng mã mua về, sau khi làm lễ cúng, gia chủ đem đốt. Trong khi đốt phải chú ý một số điều kiêng kị.
Kiêng đốt không hết. Nếu đốt quần áo, tiền, ngựa… mà không cháy hết; thì quần áo, mũ sẽ bị thủng, tiền sẽ bị rách; người dưới cõi âm không dùng được, không tiêu được. Ngựa mà không cháy hết, thì coi như ngựa đó đã bị thương, không cưỡi được. Vì vậy, phải đốt cháy hết, rồi để nguội và đem tàn tro đổ xuống ao hồ.
Đọc thêm bài viết: Những Kiêng Kị Về Mâm Cỗ Cúng Trong Dân Gian
Kiêng trước khi đốt, để quần áo, đồ dùng bị rách. Nếu trước khi đốt mà đồ đạc đã bị rách thì khi đến tay gia tiên dưới âm phủ; những thứ đó cũng bị rách, không dùng được. Vì vậy, trước khi đốt, phải nhẹ tay.

Trước khi đốt vàng mã, người ta chia ra từng cỗ một. Mỗi vị một cỗ, sao cho các đồ dùng dành cho đúng đối tượng.
Trước và trong khi đốt vàng mã, phải khấn các cụ. Trong lời khấn, gia chủ phải nói rõ cỗ này của cụ nào; gồm những thứ gì với số lượng bao nhiêu. Nếu không khấn hoặc khấn sai, thì các vị sẽ không nhận được.