Các Ngày Cúng Giỗ Sau Thời Kỳ Tang Chế

Đạo làm con phải biết phụng dưỡng cha mẹ khi còn sống và thờ cúng Gia tiên. Ngày kỵ Gia tiên, tức là ngày cúng giỗ sau tang chế của người thân trong nhà, nên có lễ cáo hôm trước. Hoặc đèn hương từ sớm đến chiều cúng. Tức là có ý mời trước, thể hiện thịnh tình đối với Hương linh. Lễ vật cúng Gia tiên thì tùy lòng, nhiều ít, các món mà Gia tiên thích… do gia chủ bày biện nhiều ít tùy hoàn cảnh.

Lễ cúng Cát kỵ

Kể từ năm
thứ ba trở đi, ngày giỗ là ngày giỗ thường, còn gọi là cát kỵ là ngày giỗ
lành. Qua hai năm với Tiểu tường và Đại tường, người chết còn nằm dưới huyệt
hung táng, nghĩa là táng lúc đầu tiên.

Sau ngày Đại
tường, con cháu làm lễ cát táng tức là lễ bốc mộ, nhặt hài cốt của người
chết sang vào tiểu nhỏ để táng ở một nơi khác. Việc táng này gọi là cát táng

Văn khấn ngày giỗ hết

Những ngày
giỗ sau lễ cát táng gọi là cát kỵ. Vì sự tụ họp của con cháu để tưởng niệm
người đã khuất, chính là một điều tốt đẹp. Ngoài ra, trong thời gian hung táng,
con cháu còn lo sợ vong hồn người khuất bị trùng quỷ quấy nhiễu, còn khi đã cát
táng, không còn trùng quỷ nào có quyền hành tới người chết nữa.

Ngày tiên thường

Ngày tiên thường là ngày trước ngày giỗ. Còn có nơi gọi là cáo giỗ, bởi trong ngày tiên thường, con cháu báo cáo cho người khuất sự cúng giỗ ngày hôm sau.

Trong ngày tiên thường, người đứng giỗ làm lễ cáo với Thổ công ngày hôm sau là ngày giỗ để xin phép Thổ công cho hương hồn người được cúng giỗ về phối hưởng. Đồng thời cũng khấn xin Thổ công cho phép vong hồn nội ngoại gia tiên nhà mình cùng về dự giỗ. Vì ngoài việc mời hương hồn người được cúng giỗ sau tang cho người đã khuất, còn phải mời cả hương hồn nội ngoại, gia tiên về dự.

Văn khấn ngoài mộ trước ngày giỗ

Cũng trong
ngày tiên thường, người đứng giỗ mang lễ ra mộ người được hưởng giỗ để mời vong
hồn vị này về phối hưởng. Cũng nhân dịp này con cháu thường đắp lại mộ người đã
khuất.

Ngày tiên thường con cháu phải đến nhà người trưởng tộc để sửa soạn làm giỗ ngày hôm sau. Bàn thờ được dọn dẹp lau chùi từ buổi sáng để buổi chiều cúng cáo giỗ. Con cháu, những người nào phải gửi giỗ, đều mang đồ lễ tới nhà đứng giỗ trong ngày tiên thường.

Xem thêm “Văn Khấn Lễ Âm Phần Long Mạch, Sơn Thần Thổ Phủ Nơi Mộ”

Con cháu gửi giỗ

Người chết
thường có nhiều con cháu. Nhưng ngày giỗ chỉ cúng ở nhà người con trai trưởng.
Nếu con trai trưởng chết thì giao cho người cháu đích tôn. Tuy nhiên, những
người con thứ, cháu thứ, cháu ngoại không thể bỏ giỗ cha mẹ, ông bà mình được.

Ngày giỗ,
những người này đều phải tề tựu ở nhà người trưởng chi họ để làm giỗ. Họ phải
có đồ lễ mang tới cúng. Việc mang đồ lễ tới nhà trưởng tộc như vậy gọi là gửi
giỗ hay góp giỗ.

Lễ gửi giỗ
trọng hay mọn tùy theo khả năng tài chính của người sống hay theo sự liên hệ
giữa người sống với người chết. Gửi giỗ thường bằng tiền, kèm theo đồ lễ đáng
giá: cả con lợn, cặp gà hay yến gạo nếp, có người trong khi gửi giỗ lại lựa mua
thứ gì người chết sin h thời ưa thích.

Người ở xa,
ngày giỗ không về được, cũng cố mua đồ lễ để gửi về nhà người trưởng. Những
người này, ngoài việc gửi còn làm lễ cúng vọng trong ngày giỗ. Câu: “con đâu
cha mẹ đấy” là ý nói con cái cúng giỗ ở đâu thì hương hồn cha mẹ về đó phối
hưởng.

Có nhiều
trường hợp, người trưởng chi họ không nhận đồ lễ gửi giỗ của một người nào đó
vì họ bất kính hoặc cậy của. Những đồ lễ do các ngành thứ mang gửi giỗ, người
trưởng đều phải đem sử dụng hết trong ngày giỗ. Cúng xong, ăn không hết, người
trưởng tộc sẽ chia phần cho con cháu đem về.

Ngày giỗ chính

Ý nghĩa ngày giỗ chính

Ngày giỗ
chính là ngày kỷ niệm người chết đã qua đời, thường được gọi là kỵ nhật.
Đây là điều quan trọng nhất trong sự thờ phụng tổ tiên.

Trong ngày
giỗ, người ta làm cỗ bàn mời thân bằng quyến thuộc. Ở thôn quê, ngày giỗ là một
dịp để gia chủ được mời lại những người đã từng mời mình đi ăn uống. Giỗ có thể
làm to hoặc làm nhỏ, tùy theo gia cảnh, tùy theo con cháu đông hay vắng và
nhiều khi lại tùy theo tình cảm giữa người sống với người chết.

Thường
thường thì giỗ cha mẹ làm to, rồi trở lên mỗi đời mỗi xa thì kém đi. Giỗ các
cụ, kỵ xa đời cũng như giỗ những người không thuộc hàng quan trọng trong gia
đình, thường làm đơn giản, không mời mọc ai (giỗ giúi).

Nhà trưởng
một ngành họ, hàng năm phải làm nhiều giỗ: cha mẹ, ông bà, cụ kỵ. Và có khi
những ông chú ông bác xa đời, tất cả những người đã gửi giỗ (để ruộng đất lấy
hoa lợi làm giỗ); lại còn bà Cô, ông Mãnh. Có tháng hai ba cái giỗ. Giỗ không
được coi là trọng thì cúng cơm canh, ý nói làm giản dị không bày đặt cỗ bàn.

Cách thực hiện lễ giỗ

Sau khi bày
cỗ bàn, thắp hương, gia chủ khăn áo chỉnh tề bước vào chiếu trải trước bàn thờ,
chuẩn bị lễ.

Gia chủ đứng
thẳng, chắp hai tay giơ cao lên ngang trán, cong mình cúi xuống, đặt hai tay
vẫn chắp xuống chiếu. Quỳ gối bên phải rồi gối bên trái xuống chiếu, cúi rạp
đầu xuống gần hai bàn tay đang chắp (thế phủ phục).

Sau đó cất đầu và mình thẳng lên, đồng thời co hai tay vẫn chắp lên trước ngực, co đầu gối bên phải lên, đặt bàn chân phải lên chiếu để sửa soạn đứng dậy, hai bàn tay vẫn chắp xuống tì vào đầu gối bên phải mà đứng lên.

Đọc thêm bài viết “Các Lễ Theo Phong Tục Trong Thời Kỳ Tang Chế”

Lời khấn

Nước … năm …
tháng … ngày … tỉnh … huyện … (phố … phường … số nhà …) … là con (cháu) của …
cùng vợ, con và cả gia đình thành khẩn kính dâng (kể tên những thứ đem cúng)
lên … tên húy, tên thụy, tên hiệu …, mất … Hôm nay là ngày giỗ, xin kính dâng
lễ bạc, mời … soi xét lòng thành, phù hộ cho con cháu … Kính mời ông bà bốn
đời, ba đời … (tên) cùng … về hưởng lễ cúng.

Lúc khấn,
khi nhắc đến tên người đã mất, phải hạ thấp giọng mỗi lần đọc tên lại cúi đầu
vái một cái.

Mời khách dự cỗ lễ giỗ chính

Mời ăn cỗ
giỗ cũng có hẹn giờ, thường là vào khoảng từ mười một giờ trưa trở ra. Những
khách khứa tới ăn giỗ có mang đồ lễ để cúng người khuất, thường là vàng hương,
trầu rượu, trà nến, hoa quả.

Con cháu khi
khách tới phải đón đồ lễ đặt trên bàn thờ trước khi khách làm lễ cúng. Khách sẽ
lễ trước bàn thờ bốn lạy ba vái. Gia chủ phải tự bản thân hoặc cử đại diện đứng
đáp lễ. Lễ bàn thờ xong, khách quay sang vái người đáp lễ.

Sau khi
khách đã ăn trầu uống nước, người nhà mời khách dự cỗ. Một mâm cỗ dùng cho bốn
người. Mỗi lần đủ bốn người khách, chủ nhà dọn một mâm mời cỗ.

Nhưng khách
đàn bà ngồi riêng, đàn ông ngồi riêng, người nhiều tuổi với người nhiều tuổi.
Ngoài ra, chủ nhà lại phải lựa những người cùng địa vị hoặc địa vị xấp xỉ như
nhau để mời vào một mâm. Hương đèn trên bàn thờ luôn luôn thắp sáng để khách
khứa tới lễ.

Khi khách đã
vãn, gia chủ mới cúng thêm tuần rượu nữa rồi lễ tạ, hóa vàng.

Đốt mã hóa vàng

Hóa vàng tức
là đem đốt những vàng mã của con cháu gửi giỗ hoặc khách khứa mang tới. Phải kể
cả những tấm hàng, những cuộn giấy đủ màu, tượng trưng cho những tấm vải, con
cháu đã mua cúng trong ngày giỗ, cũng được hóa cùng với vàng mã.

Cho đến khi
hóa vàng, ngày giỗ mới kể là xong. Lúc hóa vàng, con cháu đổ vào đống lửa một
chén rượu cúng, chén rượu này cốt để biến những vàng mã giấy trên dương gian
thành vàng thật, đồ dùng thật dưới âm phủ.

Người ta còn
thường hơ một chiếc đòn gánh hoặc một chiếc gậy trên ngọn lửa hóa vàng có ý
rằng các cụ sẽ dùng chiếc đòn gánh hoặc chiếc gậy này để gánh vàng mã về cõi
âm. Sau khi hóa vàng, hương đèn trên bàn thờ không cần giữ cháy nữa.

Đọc thêm bài viết về “Những Lễ Nghi Kiêng Kị Trong Việc Cúng Gia Tiên”

Văn khấn cúng giỗ

Trong ngày
giỗ, khi mâm cơm thịnh soạn đã được đặt lên, con cháu phải khấn mời để tổ tiên
phối hưởng những lễ vật dâng lên.

Người Việt
vốn xưa nay trọng lễ nghi, mọi trường hợp cúng bái đều có văn khấn riêng. Ngày
nay, Hán tự không còn thịnh, khấn giỗ người ta thường khấn Nôm.

Khi khấn đến
tên người chết, phải khấn lâm râm rất khẽ trong miệng để tỏ lòng thành kính.
Cần khấn hết tên tục, tên hiệu, tên hèm của người hưởng giỗ. Tên tục là tên lúc
sống vẫn gọi, tên hiệu tức là biệt hiệu, còn tên hèm tức là tên phụng – tên khi
người hấp hối tự đặt cho mình để sau này con cháu khi cúng thì khấn tới.

Con cháu lúc khấn giỗ cần phân biệt các hàng kỵ, cụ, ông bà, cha mẹ. Đàn ông khấn chữ “Khảo” còn đàn bà khấn chữ “Tỷ”. Cao tằng tổ khào tức là kỵ ông, đối với người khấn là năm đời (chút). Cao tằng tổ tỷ tức là kỵ bà. Tằng tổ khảo tức là cụ ông, tằng tổ tỷ tức là cụ bà, đối với người khấn là bốn đời (chắt). Tổ khảo tức là ông, tổ tỷ tức là bà, đối với người khấn là ba đời (cháu). Hiền khảo tức là cha, hiền tỷ tức là mẹ. Kể từ đời thứ sáu (chít) trở đi, con cháu không phải cúng giỗ nữa.

Trong ngày
giỗ, sau khi khấn giỗ xong, phải buông y môn xuống để các cụ hưởng lễ.

Văn mấu giỗ cha mẹ

Năm … tháng … ngày … con là …, vì nay là ngày kỵ, lễ bạc lòng thành kính dâng hiền khảo (hiền tỷ) phủ quân (mẹ là phụ nhân) trước bàn thờ rằng
Công sinh thành như núi Thái Sơn
Ngày húy kỵ xin dâng lễ vật
Xin linh hồn chứng giám, hộ con cháu bình yên

Cẩn cáo.

Văn khấn giỗ vợ

Năm … tháng
… ngày … ái phụ là … hôm nay ngày … gọi chút xót thương, nhờ đến nội trợ …
trước bàn thờ thanh rằng

Tình nghĩa vợ chồng, âm dương xa cách
Từ khi khuất mặt cõi trần, những tưởng chút lòng ân ái
Đã dành sinh ký tử quy, vẫn nhớ lời ăn tiếng nói.
Năm qua ngày tháng, việc cúng hôm nay, linh hồn có linh thiêng, thấu tình một chút, hộ chồng con mạnh khỏe luôn luôn, coi nhà cửa bình yên mãi mãi.

Tâm hưởng.

Cúng giỗ sau tang ở chùa

Có nhiều
Phật tử ngày giỗ không cúng tại nhà mà lại làm giỗ ở chùa. Tại chùa, người ta cũng
cúng khấn và mời bạn bè tới ăn cỗ chay. Công việc làm cỗ do nhà chùa lo liệu.

Ngoài việc
lễ bái, còn có các tăng tiểu đọc kinh siêu độ cho người đã khuất. Tục ta tin
rằng, nếu người đã khuất lúc sinh thời có làm điều lỗi lầm, thì những câu kinh
tụng niệm trong ngày này có thể làm giảm bớt tội lỗi.

Giỗ họ

Nhiều gia
đình họp thành một ngành, nhiều ngành họp thành một họ. Mỗi họ có một ông tổ
chung. Ngày giỗ ông tổ gọi là ngày giỗ họ hoặc giỗ tổ. Người trưởng tộc lo việc
làm giỗ, nhưng tất cả các ngành trong họ đều phải đóng góp.

Theo luật tục, trưởng tộc được hưởng của hương hỏa của tổ tiên để lại. Và của hương hỏa không được bán, phải để gây hoa lợi dùng cho việc tế tự và cúng giỗ sau tang. Dẫu có của hương hỏa, nhưng ngày giỗ tổ, các hàng con cháu đều góp giỗ.

Ngày giỗ tổ,
trưởng các ngành chi họ đều có mặt ở nhà thờ họ. Vào ngày này, các họ lớn có
mời phường bát âm tới tế lễ. Về số tiền cúng để góp giỗ, thường tính theo đầu
đàn ông trên 18 tuổi, còn đàn bà và trẻ con được miễn. Có nhiều họ, con gái
không được dự giỗ, vì con gái khi lấy chồng sẽ thuộc họ khác, con dâu được tới
dự giỗ.

Ngày giỗ họ,
không mời khách khứa, chỉ có con cháu trong họ cúng lễ và ăn uống với nhau. Có
họ to nhân dịp ngày giỗ có mời phường chèo, phường múa rối tới múa hát cho con
cháu xem.

Giỗ hậu

Nhiều người không có con trai cúng giỗ, cũng không lập tự vì không phải ngành trưởng. Và vì cũng nghĩ rằng, kẻ ăn thừa tự sau này vẫn có thể bỏ giỗ mình được. Nên sẵn tiền của, những người này đóng tiền hoặc mua ruộng nương cúng vào họ, vào chùa, vào đền, để về sau, khi họ qua đời, họ,chùa, đền sẽ cúng giỗ sau tang chế. Những giỗ cúng như vậy gọi là giỗ hậu.

Tại nhiều
làng, trong hương ước có ghi cả khoản mua hậu, nghĩa là người nào muốn
sau này làng cúng giỗ phải bỏ tiền ra mua sự cúng giỗ đó với làng. Tiền mua
hậu
nộp vào quỹ làng để sắm thêm tự khí, mở đền đình hoặc dùng trong việc
công ích khác. Những người mua hậu có thể phòng sẵn cả việc mai táng của mình,
nhờ làng nước chùa chiền hoặc họ làm ma.

Trong những
ngày giỗ hậu, tại nhà thờ họ, trưởng tộc cúng giỗ và có mời một số con cháu
trong họ tới dự giỗ. Tại đình, các hương chức quan viên cúng giỗ, rồi cùng nhau
chia phần hưởng lộc, ăn uống ngay tại đình hoặc mang về. Giỗ hậu cúng ở nơi nhà
hậu
, một căn nhà riêng tại các đình chùa dùng để làm giỗ hậu.

Người khấn giỗ tại đình thường là ông thủ từ hoặc ông tiên chỉ. Trong ngày giỗ hậu, ngoài việc cúng người hưởng giỗ, dân làng cũng phải sửa lễ để cáo Thành hoàng. Tại chùa, việc khấn vái do một vị sư đảm nhiệm. Ở đây, trong ngày giỗ hậu có tụng kinh để cầu an cho vong hồn người khuất.

Tìm hiểu thêm về “Các Lễ Cúng Giỗ Trong Thời Kỳ Tang Chế”

Lễ tục Lập Tự để thực hiện cúng giỗ sau tang

Ý nghĩa của việc Lập Tự

Dân ta tin
rằng, khi cúng lễ phải do người đồng khí huyết với người khuất khấn vái hương
hồn, người khuất mới có thể phối hưởng được. Chính vì muốn có người giữ việc
hương khói thờ phụng tổ tiên nên dân ta có tục phải lo sao cho có con trai để
lập tự.

Lập tự trước
hết phải lập con vợ cả, trừ trường hợp vợ cả đã quá năm mươi tuổi không có con
trai, mới lập con vợ lẽ. Nếu tất cả vợ chính, vợ thứ đều không có con, phải
chọn một người cháu gọi bằng chú hay bằng bác. Không có cháu gần thì lập cháu
xa để giữ việc thừa tự cho mình.

Lập tự phải
thứ tự “chiêu mục”, nghĩa là người được hưởng thừa tự cho người trên, như cháu
thừa tự cho chú bác, em thừa tự cho anh, chứ không làm ngược lại.

Người được
lập thừa tự nếu là con nuôi người lập thì phải ăn ở với cha mẹ nuôi như với cha
mẹ đẻ, phải thực hiện mọi bổn phận của người con đẻ, không được tự ý bỏ cha mẹ
nuôi về nhà cha mẹ mình.

Những trường hợp không được Lập Tự

Tuy người
thừa tự đã lập rồi, nhưng nếu tính hạnh xấu xa, vẫn có thể bỏ đi để lập người
khác, gọi là lập hiền hay lập ái. Trong khi lập tự, không được dùng con đinh
hoặc con trưởng, vì những người này còn phải giữ việc khói hương của chính cha
mẹ đẻ.

Trong trường
hợp cha mẹ nuôi sau khi đã lập tự mới sinh được con trai, người được lập tự có
thể về ở với cha mẹ đẻ của mình, hay có thể cứ ở lại với cha mẹ nuôi, sẽ được
hưởng một phần gia tài và có đủ mọi quyền lợi như con đẻ.

Người đàn ông không có con, không lập tự lúc sống. Lúc người chồng chết rồi, người vợ có bổn phận thỏa thuận với tộc trưởng để lập tự lấy người cúng giỗ sau tang cho chồng và gia tiên nhà chồng.

Những người
đã hỏi vợ nhưng chưa cưới, hay mới cưới nhưng chưa có con mà chẳng may chết
sớm, thì cha mẹ lập tự cho con, nhưng với điều kiện con đã đến tuổi trưởng
thành rồi. Những người chết yểu chưa trưởng thành không được lập tự.

Ngày nay, tại nhiều gia đình không có con trai, con gái thường cúng giỗ sau tang cha mẹ. Hoặc cũng có khi cháu ngoại cúng giỗ ông bà. Dân gian có câu “vô nam dụng nữ, vô tử dụng tôn” (nghĩa là không có con tai thì dùng con gái, không có con thì dùng cháu)

Cúng giỗ những người mất tích

Có nhiều
người vì sinh kế hoặc vì một lý do nào đó, bỏ nhà ra đi rồi không trở về, không
có tin tức cho gia đình biết; có người bị giặc bắt không tha hay có người đi
trận bỏ mạng. Tất cả những người trên đối với gia đình đều coi như mất tích. Và
mất tích tức là chết. gia đình những người này tuy không làm ma, không để tang,
nhưng hàng năm thường có cúng giỗ.

Vì không
biết đích xác ngày chết của người mất tích, nên gia đình người này lấy ngày họ
ra đi để cúng giỗ. Có nhiều nhà lại xin với nhà chùa cầu kinh siêu độ cho vong
hồn của họ.

Hài nhi yểu vong với ngày cúng giỗ sau tang

Thường tục
ta lấy tuổi lên ba là tuổi hiểu biết. Những trẻ chết dưới tuổi này, người ta
cho rằng đó chỉ là những đứa trẻ lộn kiếp, nhất là những trẻ sơ sinh.

Đối với những trẻ sinh ra được ít lâu sau mới chết, người ta còn tin rằng, cha mẹ chúng kiếp trước có nợ chúng nên kiếp này chúng đầu thai vào để đòi đủ số nợ lại ra đi. Nợ hết là chết, nên đối với những trẻ hài nhi này, sự cúng giỗ sau tang không cần.

Nhưng nhiều
gia đình hiếm muộn thương con, dù chúng chết yểu dưới tuổi hiểu biết, tới ngày
giỗ, họ vẫn cúng để chúng khỏi trở thành những con ma đói ma khát.