Tục Thờ Cúng Tổ Tiên Trong Gia Đình Người Việt

Thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ là một việc không thể thiếu trong phong tục của người Việt. Việc làm này xuất phát từ lòng thành kính biết ơn của con cháu đối với những người đã có công sinh thành dưỡng dục.

Người Việt luôn luôn tin tưởng ở sự phù hộ của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Và tin rằng họ đang hiện diện quanh mình. Cho nên mọi việc tốt xấu xảy ra trong gia đình thì con cháu đều cúng cáo gia tiên.

Thờ cúng tổ
tiên, ông bà, cha mẹ đã qua đời là lập bàn thờ tại gia và cúng bái hương khói
vào những ngày sóc, vọng, giỗ, tết. Theo tục lệ, vào ngày cuối tuần, ngày kỵ
hoặc khi gia đình có những biến cố xảy ra như việc hiếu hỉ hay sự kiện lớn thì
mọi người đều làm lễ cáo gia tiên. Trước là để trình bày sự kiện, sau là để xin
gia tiên phù hộ.

Nghi lễ cúng cáo gia tiên

Tùy theo
hoàn cảnh gia đình, tính chất và quy mô của các lễ. Đồ lễ thường có trầu cau,
rượu, hoa quả, xôi chè, oản chuối, vàng hương và nước lạnh hoặc cỗ mặn. Trong
trường hợp khẩn cấp cần phải cáo lễ, gia chủ có thể chỉ cần thắp một nén hương
và một chén nước lạnh. Nhưng nhất thiết phải có lòng thành.

Khi đã bày xong đồ lễ, người làm lễ khăn áo chỉnh tề, thắp ba nén hương cắm vào bát hương rồi cung kính đứng trước bàn thờ khấn. Trước khi khấn phải vái 3 vái. Sau khi khấn xong, gia trưởng lễ bốn lễ, thêm ba vái, gọi là bốn lễ ba vái.

Hương thắp bao giờ cũng thắp theo số lẻ như 1, 3, 5… Vì theo quan niệm của người Việt xưa thì số lẻ thuộc về thế giới âm.

Sau đó, con
cháu trong nhà lần lượt theo thứ bậc tới lễ trước bàn thờ bốn lễ ba vái. Nghi
thức trên thường chỉ cần thực hiện trong những buổi giỗ chạp. Bình thường chỉ
cần gia chủ khấn lễ là được.

Ngày nay,
nghi thức trong lễ bái đã đơn giản hơn. Người ta có thể vái thay cho lễ. Trước
khi khấn thì vái ba vái ngắn, khấn xong vái thêm 4 vái dài và ba vái ngắn thay
cho bốn lễ ba vái.

Đọc thêm bài viết: Những Kiêng Kị Trong Việc Cúng Gia Tiên

Lễ tạ trong tục lệ thờ cúng tổ tiên

Sau khi gia
trưởng và mọi người trong gia đình lễ vái xong; chờ cho tàn một tuần hương, lúc
đó gia trưởng tới trước bàn thờ cung kính lễ tạ; thắp thêm mấy nén hương nữa.

Lễ tạ là lễ tạ ơn gia tiên đã chứng giám lòng thành của con cháu; và nhận được những lễ vật của con cháu dâng lên. Người ta tin rằng trong thờ cúng tổ tiên, lúc tuần hương đang cháy là tổ tiên đang hưởng lễ con cháu dâng lên.

Trong lúc này, y môn trên bàn thờ được buông xuống. Khi lễ tạ xong, y môn lại được kéo lên.

Buông y môn
là do các cụ không muốn con cháu nhìn lên; cũng như người sống lúc ăn không
muốn con cháu nhìn mồm. Y môn thường chỉ buông xuống khi trong việc cáo gia
tiên có cúng cỗ mặn.

Lễ tạ xong,
gia trưởng hạ vàng mã trên bàn thờ đem hóa (tức là đem đốt đi). Lúc hóa vàng,
người ta thường lấy chén rượu cúng đổ vào đống tàn vàng. Cho rằng như vậy người
khuất mới nhận được số vàng người sống cúng; và đồ vàng mã trên mới biến thành
đồ đạc và tiền thật dưới cõi âm. Sau tất cả các thủ tục lễ tạ xong, đồ lễ mới
được hạ xuống.

Thông
thường, việc lễ tạ chỉ do một mình gia trưởng đảm nhiệm. Nhưng để cung kính
hơn, sau gia trưởng, những người khác trong gia đình cũng có thể làm lễ tạ.

Khấn cúng cáo Gia tiên

Sau khi đã
dâng lễ vật lên bàn thờ, thắp hương, đèn, nến đầy đủ, người ta bắt đầu khấn.
Văn khấn bao gồm một số nội dung mà người khấn phải đọc như: nói rõ ngày tháng
làm lễ, lý do lễ, ai là người đứng ra lễ, ghi rõ họ tên tuổi, sinh quán, đồng
thời liệt kê lễ vật và cuối cùng là lời đề đạt cầu xin.

Đồ lễ đặt
lên bàn thờ, hương đèn đã thắp, gia trưởng phải mời hết các cụ kỵ từ ngũ đại
trở xuống; cùng với tất cả chú bác cô dì anh chị em nội ngoại đã khuất.

Văn khấn xưa
thường dùng chữ Nho, nhưng trong dân gian cũng nhiều người dùng chữ Nôm. Nhất
là ở những gia đình người gia trưởng đã mất, người vợ thường đảm nhiệm việc
cúng khấn thay các con nhỏ. Văn khấn dùng chữ Nôm để tránh sự sai sót vì không
hiểu nghĩa chữ Nho.

Xem thêm: Những Kiêng Kị Về Mâm Cỗ Cúng Trong Dân Gian

Kể từ khi
chữ Quốc ngữ được dùng thay thế cho Hán tự, việc khấn vái của dân ta đã dùng
hầu hết tiếng Việt thay chữ Nho. Trong bài khấn phải nói rõ ngày tháng làm lễ,
lý do, liệt kê lễ vật và những điều cầu xin nếu có.

Dưới đây là một mẫu văn khấn trong thờ
cúng Tổ tiên.

Hôm nay là ngày … tháng … năm … Nay con giữ việc phụng thờ tên là … tuổi … sinh tại xã … huyện … tỉnh … cùng toàn gia, trước ban thờ gia tiên cúi đầu bái lễ.
Kính mời Thổ công Táo quân đồng lai cách cảm.
Kính dâng lễ bạc: trầu rượu, trà nước, vàng hương, hoa quả cùng phẩm vật, lòng thành nhân dịp sinh hạ cháu trai, kính mời hương hồn nội ngoại tổ tiên, kỵ, cụ, ông bà, cha mẹ, cô dì chú bác, anh chị em chứng giám và hưởng lễ.
Con kính xin gia tiên phù hộ độ trì cho cháu nhỏ hay ăn chóng lớn và toàn gia khang kiện.
Cẩn cáo.

Trước kia,
các cụ đã có đặt ra nhiều bài văn khấn Nôm bằng thơ; cốt để cho đàn bà trẻ con
học dễ nhớ, dùng trong việc cúng gia tiên.

Sau đây là một trong những bài khấn Nôm bằng thơ

Duy Đại Việt tuế thứ … ngày … tháng … năm (âm lịch), tín chủ là … tuổi … sinh quán tại … trú quán tại … cùng toàn gia.
Cúc cung bái trước bàn thờ
Kính dâng lễ bạc hương hoa rượu cần
Cùng là phẩm vật trước sau,
Lòng thành tâm nguyện thỉnh cầu gia tiên
Cao tằng tổ khảo đôi bên,
Cao tằng tổ tỷ dưới trên người người,
Cô dì chí bác kính mời,
Đê huynh đồng thỉnh tới nơi tới đường,
Cúi xin phù hộ khang đường toàn gia.
Cẩn cáo.

Cùng với
việc cáo gia tiên, bây giờ cũng phải cúng khấn Thổ công vì ngài là Đệ Nhất Gia
Chi Chủ. Để xin phép ngài cho hương hồn tổ tiên được về hưởng lễ.

Lễ vật cúng
gia tiên phải thanh khiết, cỗ bàn nấu xong phải đem cúng gia tiên trước, không
một ai được đụng đến. Trong trường hợp gia trưởng chưa kịp làm cúng vì mâm cỗ
nhiều món; chưa chuẩn bị xong thì món nào đã nấu xong phải múc riêng để dành
cho việc cúng tế. Sau khi cúng xong, con cháu xin lộc mới được thụ lộc.