Các Lễ Thờ Cúng Tại Gia Trong Gia Đình Người Việt

Thờ cúng tổ tiên là một việc không thể thiếu trong phong tục của người Việt. Việc thờ cúng tại gia này xuất phát từ lòng thành kính biết ơn của con cháu đối với những người đã có công sinh thành dưỡng dục.

Người Việt luôn luôn tin tưởng ở sự phù hộ của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Và tin rằng họ đang hiện diện quanh mình. Cho nên mọi việc tốt xấu xảy ra trong gia đình thì con cháu đều cúng cáo gia tiên.

Lễ Thượng thọ

Đây là một
hình thức báo hiếu và là dịp vui mừng của cả gia đình.

Gia đình nào khá giả và đông con cháu thường tổ chức lễ mừng thọ cho cha mẹ. Có cha mẹ già bảy tám mươi tuổi, trong ngày này, gia đình làm lễ gà xôi, hoặc tam sinh lợn bò, đem ra đình lễ thần gọi là bái tạ thần hưu, nghĩa là tạ ơn thánh thần đã phù hộ cha mẹ sống lâu.

Đến giờ lễ, cha hoặc mẹ mặc quần điều áo tía ngồi trên, con cháu tế tự lễ bái. Con cái dâng lễ, mỗi người một chén rượu mừng thọ, hoặc là quả đào gọi là bàn đào chúc thọ.

Con cháu lễ
bái xong rồi, mời làng xóm, bạn bè đến ăn mừng. Khách đến đem đồ lễ vật đến mừng
và chứng kiến sự hạnh phúc của hai cụ, sự hiếu thảo của con cháu. Hai bên nhà
có treo những câu đối, những bức đại tự để mừng hai cụ.

Trong ngày này, khi làm lễ, người con trưởng sẽ khấn lời yết cáo tổ tiên

Tìm hiểu thêm về “Nguyên Tắc Về Văn Tế, Văn Khấn Và Lễ Dâng Cúng”

Văn khấn yết cáo tổ tiên trong lễ thượng thọ

Hôm nay ngày … tháng … năm … tại số … đường … phường … quận … thành phố …Hậu duệ tôn là (tên người đứng lễ)
Quỳ trước linh vị (đọc linh vị của thủy tổ, tiên tổ được liệt thờ trong nhà thờ họ)

Kính cẩn lạy tâu rằng:
Cúi nghĩ: Tuổi tác tự Trời Phật ban cho
Hình hài nhờ Tổ tiên mới có
Nay: toàn dân hớn hở đón xuân sang
Tín chủ mừng vui dâng lễ thọ
Yết cáo chư vị thần linh
Kính lạy miếu đường tiên tổ
Xin rộng mở lòng nhân
Nguyện vun trồng đức độ
Mong sao ngày tháng mãi bền lâu
Ước được gốc cành thêm củng cố
Tưởng niệm công đức ngày xưa
Gọi chút khói hương lễ nhỏ
Ngửng trông chứng giám tấc thành
Cúi xin phù trì bảo hộ
Mong Tiên sinh khơi rộng mạch trường sinh

Cho hậu duệ leo lên thềm Thượng thọ
Trên Thiên tào tăng niên kỷ lâu dài, như rùa hạc vô cương
Dưới hải ốc tưới phúc lộc dồi dào, như suối nguồn bất hủ.
Khấn đầu cúi lạy thần linh tiên tổ.
Thượng hưởng.

Cúng ngày sóc, ngày vọng

Ngày mồng Một hàng tháng là ngày Sóc, ngày rằm là Vọng. Trong những ngày này, các gia đình đều sửa lễ cúng Tổ tiên, Thổ công, Thánh sư, Tiền chủ, Thần tài tại bàn thờ gia đình. Có thể cúng mặn (trừ cúng Phật) hoặc chỉ cúng thẻ hương hoa, trầu rượu.

Tại chùa có
cúng Phật, mọi người lễ Phật với đồ lễ gồm hương hoa, oản chuối. Riêng ở miếu,
đền và đình, người ta sửa lễ oản chuối, trầu rượu hoặc lễ mặn để lễ Thần.

Theo lệ thường trong thờ cúng tại gia, muốn cúng lễ điều gì, trước hết phải cúng Táo quân (Đệ nhất gia chi chủ) để xin phép ngài cho các vị được cúng lễ có thể tới phối hưởng.

Trong những ngày này, lễ vật rất đơn giản, chỉ cần hương, đèn, trầu, tiền vàng, không cần phải có lễ mặn vào ngày này.

Đọc thêm bài viết “Phong Tục Cúng Thổ Địa Vào Mùng 1 Và Ngày Rằm”

Văn khấn cúng ngày sóc, ngày vọng

Cứ theo tế luật, mồng Một đến ngày, kính bày lễ sóc (hoặc lễ vọng đêm rằm, đến tận phong đăng, ánh trăng vằng vặc… )
Tuân theo lệ tục, bát nước nén nhang, kính cẩn lạy vâng, Tôn thần Tiên tổ.
Cúi trông phù hộ, cứu khổ trừ tai, tiền lộc đăng tài, gái trai hiếu thảo.
Vợ chồng hòa hảo, vận đáo hanh thông, sắc sắc không không, âm dữ tương đồng, dốc lòng cầu khấn. Cúi xin soi tận, ý khẩu tâm thành, muôn đội tôn linh, phục duy! Thượng hưởng.

Dâng hương tại gia

Người Việt
có tục dâng hương, lễ bái tại gia các vị Gia thần và Gia tiên vào các dịp tuần,
tiết. Mỗi tuần dâng hương tại gia đều có những điểm khác nhau nhất định, từ phẩm
vật dâng cúng đến một số nghi thức và văn khấn, song vẫn có những nguyên tắc chung.
Dâng hương cáo lễ Gia thần trước, Gia tiên sau.

Các phẩm vật dâng hương có thể là lễ chay hoặc lễ mặn (các gia đình thờ Phật thì chỉ dâng lễ chay). Trong các ngày này, các gia đình thường có các đồ lễ rượu dâng không thể thiếu: hương, đèn, chè, quả, rượu, nước trong, trầu cau và tiền vàng.

Riêng đèn (nến) thường là một cặp, được đặt cả hai bên bàn thờ, cao hơn các vật phẩm khác. Chúng tượng trưng cho hai vầng nhật nguyệt và được thắp sáng suốt buổi lễ. Lễ vật trên bàn thờ có thể là chung nhưng nếu có nhiều bát hương thì bát nào cũng thắp hương cả, và thắp theo số lẻ (vì số lẻ thuộc thế giới âm).

Khi cháy gần hết tuần hương, gia chủ lại thắp thêm một tuần nữa rồi xin phép tổ tiên hóa vàng. Tiền vàng khi đã hóa thành tro thì rẩy vào đó một chén rượu cúng.

Xem thêm “Cách Bài Trí Bàn Thờ Gia Tiên Đúng Phong Thủy”

Cách vái lễ khi dâng hương tại gia

Mọi kỳ dâng hương đều có vái và lễ. Vái thì các ngón tay đan vào nhau, còn lễ thì hai bàn tay áp vào nhau và đều đặt ở vị trí ngang trước ngực. Nghi lễ này đòi hỏi người làm lễ phải thành tâm.

Vái lễ chỉ được thực hiện sau khi các lễ vật đã được đặt lên bàn thờ, đèn đã được thắp sang, hương đã được châm lửa. Người làm lễ sau khi đã châm lửa, kính cẩn dùng hai tay dâng các nén hương ở vị trí ngang trán, vái ba vái rồi mới cắm hương vào bát hương.

Vái ba vái xong thì đọc văn khấn (mỗi dịp tuần tiết đều có nội dung khác nhau). Khấn xong lễ bốn lễ và thêm ba vái.