Các Lễ Cúng Tết Nguyên Đán Truyền Thống
Lễ cúng tết Nguyên Đán là tiết lễ đầu tiên của năm bắt đầu từ lúc giao thừa với lễ trừ tịch. Nguyên là bắt đầu. Đán là buổi sớm mai. Tết Nguyên Đán tức là tết bắt đầu năm mới với tất cả mọi cảnh vật đều mới mẻ đón xuân sang.
Trong ngày Tết, người ta cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh. Người nông dân thì cầu phong đăng, hòa cốc; các nho sinh thì cầu đỗ đạt, hiển vinh; người giàu cầu bách niên, giai lão; còn vợ chồng cầu gia đình đầm ấm.
Ngày xưa, trước ngày Tết người ta thường dọn dẹp, lau chùi bàn thờ, trang hoàng nhà cửa để đón năm mới. Vào chiều 30 Tết, nhà nào cũng trồng cây nêu, nấu nước ngũ vị hương rẩy lên bàn thờ và trong bếp để tẩy uế. Đồng thời, họ sửa lễ cúng Tất niên, chuẩn bị đón rước Tổ tiên.
Người xưa thờ cúng Tổ tiên bằng những tự khí đẹp, dâng cúng những đồ ăn thức uống như lúc tổ tiên còn sống. Các lễ vật được sắm sửa đầy đủ: vàng, hương, trầm, nến, mâm ngũ quả tươi tốt đủ màu…
Trong dịp Tết, bàn thờ được thắp hương suốt đêm ngày vì con cháu tin rằng những ngày này, hương hồn của Tổ tiên lúc nào cũng hiện diện trên bàn thờ.
Tết Ông Táo
Đây được xem như lễ cúng tết Nguyên Đán đầu tiên. Trong ngày hai mươi ba tháng Chạp, ngày Táo quân chầu Trời, gia đình nào cũng sửa lễ tiễn ông Táo lên trời. Bàn thờ Táo quân được định vị khác nhau.
Tùy địa phương, có nơi kê cạnh bàn thờ tổ tiên, có nơi đặt bệ thờ ngay trong bếp, có nơi lại thờ ông Táo ở vách giữa phía sau nhà. Lễ cúng được cử hành chu đáo, kính cẩn và lễ vật là mâm cỗ mặn.
Sau khi lễ xong thì hóa vàng, hóa luôn cả cỗ mũ năm trước, cá chép (đã mua sẵn thả vào chậu nước) được phóng sinh để ông Táo cưỡi lên trời. Ở miền Trung, ông Táo lại cưỡi ngựa – đồ mã đủ, yên cương. Ở miền Nam, ông Táo được dâng cặp giò (cặp hia – mã).
Nói tới ông Táo – vua Bếp cũng là nói tới lửa thời cổ đại xa xưa, lửa và nước là phương tiện tẩy sạch, thanh khiết hóa. Một bà hai ông đâm đầu vào lửa là hình ảnh đầu tiên của “nghi lễ thanh khiết”.
Ngoài ra, dân ta còn tin rằng, ngoài các vị thần hữu danh và vô danh, còn có các thần thời gia, gọi là Đại vương hành khiển với mười hai vị. Ngày các vị cũ ra đi và các vị mới xuống nhân gian trùng với ngày ông Táo lên trời (23 tháng Chạp) và trở về mặt đất (30 tháng Chạp).
Mẫu văn khấn Tết Ông Táo
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp năm…
Tín chủ con là …
Ngụ tại …. đường (thôn) … Phường (xã) … Quận (huyện) … Thành phố (tỉnh) …
Cùng toàn thể gia đình kính bái.
Trước linh tọa của Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân.
Kính cẩn thưa rằng:
Nay cuối mùa đông
Tứ quý theo vòng
Hăm ba tháng Chạp
Sửa lễ kính dâng
Hoa quả đèn hương
Xiêm lai áo mũ
Phỏng theo lễ cũ
Ngài là vị chủ
Ngũ tự gia thần
Soi xét lòng trần
Táo quân chứng giám
Trong năm sai phạm
Các tội lỗi lầm
Cúi xin tôn thần
Gia ân châm chước
Ban lộc ban phúc
Phù hộ toàn gia
Trai gái trẻ già
An ninh khang thái
Cẩn cáo
Nếu cúng cá chép sống thì sau khi làm lễ xong, gia chủ đem cá ra sông, hồ thả với niềm tin: cá sẽ chở ông Táo về trời.
Tìm hiểu thêm về “Cúng Tất Niên Ngày 30 Tết Theo Truyền Thống”
Lễ tiễn Ông Vải
Trong lễ cúng trước Tết Nguyên Đán, người ta thường làm lễ cúng ông Vải (gia tiên được gọi chung là ông Vải) vào ngày 25 tháng Chạp. Người ta quan niệm rằng, làm lễ tiễn ông Vải quá sớm sẽ mang tiếng với các bậc gia tiên.
Người xưa nghĩ rằng, ông Vải về cuối năm cũng muốn “đi chơi ít bữa” cho con cháu dọn dẹp thu xếp, bày biện lại bàn thờ sạch sẽ, mình về ngự thì sẽ tốt hơn.
Trong việc dọn dẹp bàn thờ, người ta muốn bỏ những chân hương cũ đi để thay bát hương mới trong dịp chào đón năm mới. Những chân hương này phải đem đốt nơi thanh sạch, tro mang đổ xuống sông. Sau khi lau sạch bát hương, người ta thay tro mới.
Lễ Tất Niên
Vào ngày 30 tháng Chạp, tất cả mọi việc trong gia đình phải hoàn tất để chuẩn bị tiễn năm cũ, đón năm mới. Trước hết, phải soát lại bàn thờ, tiếp theo là dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa cho sạch sẽ, sáng sủa, vui mắt.
Thường thì nhà nào cũng có bày cành đào hoặc chậu quất. Trong bếp, mọi người tất bật lo mâm cỗ cúng gia tiên. Lễ vật phải thơm ngon, tinh khiết, đầy đặn.
Bận nhất là gia chủ, người phải quán xuyến mọi việc. nhất là việc hệ trọng liên quan đến tổ tiên, những người đã khuất.
Theo quan niệm của người Việt, cúng tết Nguyên Đán là dịp con cháu nhớ tới Tổ tiên, và họ cũng tin vào sự phù hộ của các cụ. Trong dịp này, các gia đình thường làm lễ Rước các cụ.
Có hai cách rước: cách thứ nhất là con cháu chỉ làm cỗ dâng cúng gia tiên vào trưa ngày 30 Tết, khấn vái mời các cụ về dự hưởng tại nhà. Cách hai là chiều ngày 30, gia chủ cùng người thân trong gia đình ra mộ, sửa sang, dọn dẹp và thắp hương khấn mời tổ tiên về nhà cùng con cháu đón Tết. Sau khi rước các cụ về, cúng cỗ xong thì cả nhà quay quần ăn tất niên vui vẻ.
Trong mấy ngày Tết, trên bàn thờ luôn luôn có sự hiện diện của tổ tiên. Để giữ cho hương khói khỏi bị tắt, từ chiều ba mươi tết, người ta thường dùng hương vòng hoặc hương sào. Hương vòng là một cuộn hương được thắp suốt đêm tới sáng, còn hương sào là một cây hương thật to, có thể thắp được suốt ngày đêm mới hết.
Văn khấn gia tiên trong ngày lễ Tất niên
Hôm nay, ngày … tháng … năm …
Tại: số … đường … phường … quận … thành phố …
Tín chủ con là … cùng toàn gia kính bái.
Nay nhân ngày …
Kính cẩn sắm một lễ gồm … gọi là lễ mọn lòng thành, kính dâng lên:
Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân, bản gia tiên sư, bản viên Thổ Công, liệt vị tôn thần.
Trước linh vị của …
Và các vị tổ bá, tổ thúc, tổ cô, cùng các vong linh phụ thờ theo tiên tổ.
Kính cẩn thưa rằng: Năm cũ sắp hết, ngày Tết tới gần, chuẩn bị mừng xuân.
Kính cáo: thổ, địa, chư vị linh thần
Kính mời: Vong linh tiên tổ về với gia đình để cháu con phụng sự.
Cẩn cáo.
Sau khi rước các cụ về nhà, đợi cháy hết tuần hương, cỗ cúng được hạ xuống, cả nhà quần tụ xung quanh mâm cơm tất niên vui vẻ. Điều quan trọng là mọi thành viên trong gia đình kể cả những người đi xa, đều có mặt để hàn thuyên mọi chuyện vui buồn xảy ra trong năm. Hơn nữa, bàn cách giúp đỡ nhau trong việc làm ăn sắp tới.
Đọc thêm bài viết “Lễ Cúng Giao Thừa Theo Phong Tục Truyền Thống”
Cũng vào tối 30 Tết, một số trẻ em nghèo hợp nhau thành từng nhóm đi chú Tết. Mặc dù lúc này chưa tới Tết. Mỗi nhóm có một ống tre đựng tiền. Xưa tiền trinh, tiền xu đều làm bằng đồng.
Tới trước cổng mỗi nhà, các em lắc ống tiền và đồng thanh hát bài xúc sắc xúc sẻ. Nhà chủ lắng nghe. Bài ca vừa dứt, người ta mở cổng, tặng các em ít tiền xu, có nhà còn tặng cả mứt và bánh chưng. Vì tục tin rằng, các em mang sự may mắn đến.
Lễ Trừ Tịch
Còn gọi là cúng Giao Thừa, đây là một lễ cúng quan trọng trong các lễ cúng tết Nguyên Đán. “Trừ” là trao lại chức quan; “Tịch” là ban đêm. Lễ Trừ Tịch cử hành lúc Giao Thừa. Lúc hết giờ Hợi đêm 30 tháng Chạp chuyển sang giờ Tý ngày mùng Một tháng Giêng năm sau; lúc cũ mới giao thoa với nhau, là bắt đầu sang ngày khác.
Lễ này là để tiễn vị thần năm cũ, đón vị thần năm mới. Cũ giao lại công việc cho mới tiếp nhận. Ý nghĩa của lễ này là đem bỏ hết những điều xấu của năm sắp qua để đón những cái mới mẻ tốt đẹp của năm sắp tới.
Tục xưa tin rằng, mỗi năm có một vị Hành khiển coi việc nhân gian, mỗi vị có tên riêng với vương hiệu và cũng gọi là Đương niên chi thần (mỗi vị có một phụ tá là phán quan). Có mười hai vị hành khiển luân phiên kể từ năm Tý đến năm Hợi là mười hai năm. Hết lượt lại quay trở lại.
Hành khiển có ông Thiện ông Ác. Có năm trời gây ra thiên tai hạn hán lụt lội mất mùa đói kém, hay bệnh dịch là do sớ tấu của Hành Khiển, trừng phạt vua quan không chân chính hay dân ăn ở càn dở.
Bởi vậy, lễ cúng Giao Thừa là lễ quan trọng nhất trong dịp cúng Tết Nguyên Đán. Người ta cúng lễ ở ngoài trời và trong nhà. Sắp đến giờ lễ Giao thừa, gia đình chuẩn bị lễ vật để đúng đến 12 giờ đêm, lễ được tiến hành.
Lễ vật cúng ngoài
trời, ngoài những phẩm vật không thể thiếu (hương, nến, trầu…) còn cần có thêm
đồ chính như thủ lợn luộc, gà trống luộc, xôi, bánh chưng, được chuẩn bị sẵn, đặt
lên bàn hay mâm kê cao.
Tới đúng thời điểm
giao thừa, gia chủ thắp đèn, hương, đốt pháo rồi khấn. Nếu viết văn khấn vào giấy
để đọc, thì ngay sau khi đọc xong sẽ hóa (đốt) cùng với tiền vàng dâng cúng.
Lễ giao thừa
Đối với người Việt, giao thừa là khoảnh khắc giao nhau giữa năm cũ và năm mới. Là thời điểm thiêng liêng nhất của một năm. Và lễ cúng Giao thừa cũng là lễ quan trọng nhất trong dịp cúng Tết Nguyên Đán. Người trong gia đình dù đi làm ăn sinh sống ở bất cứ đâu xa cũng mong đêm giao thừa kịp trở về chốn làng cũ quê xưa đoàn tụ với gia đình.
Người ta cúng lễ cả ở ngoài trời và trong nhà. Sắp đến giờ lễ, gia đình chuẩn bị lễ vật để đúng đến 12 giờ đêm tiến hành lễ. Bàn thờ giao thừa thiết lập ngoài trời với những vật phẩm thủ lợn hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả…
Và bao giờ cũng phải có vàng hương, rượu, có nhà thờ thêm cỗ mũ của vị Đại vương hành khiển. Lễ vật được chuẩn bị trên hương án trước giờ trừ tịch. Đúng thời điểm giao thừa, gia chủ thắp đèn, đốt pháo rồi khấn.
Văn khấn trong lễ giao thừa
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Lạy chin phương trời, mười phương đất
Lạy chư Phật mười phương,
Lạy đương niên thiên quan … năm …
Lạy Đông phương thanh đế,
Bắc phương Hắc đế,
Nam phương Hồng đế,
Tây phương Bạch đế.
Lạy Đông trù tư mệnh, Táo phủ thần quân, Long mạch, Thổ thần, cập thổ chư vị tài thần mở bái.
Tín chủ con tên là …
Cùng với toàn gia (vợ, con, cháu,…)
Ngụ tại số … đường … phường … quận … thành phố … nước Việt Nam.
Lòng thành sắm lễ
Hương, đăng, trà, quả.
Tiền vàng cánh sớ
Phẩm vật chi nghi
Nhân phút thiêng liêng giao thừa đã tới
Pháo nổ vang lừng đón tiết xuân
Cầu mong vạn lượng canh tân Tam dương hai thái cung trần lễ nghi
Nguyện tôn thần phù trì bảo hộ
Cầu an linh Tiên tổ lưu ân
Ban cho con cháu hạ trần
Anh linh khang thái, muôn phần tốt tươi
Thiều quang chiếu rọi sáng ngời
Đầu năm chí cuối mọi người đều an
Có được sức khỏe lâu bền
Tu tà, tích đức được nên danh phần
Bốn mùa thu, hạ, đông, xuân
Làm ăn phát đạt bớt phần nguy nan
Những điều tai vạ trái ngang
Ơn trời phù hộ tiêu tan tức thì
Điều lành mang đến, điều dữ bỏ đi
Dám xin sám hối bù trì cho con
Một lòng theo đạo sắt son
Sống trên dương thế để còn tu tâm
Man mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Sau khi làm lễ dâng hương ngoài trời xong thì gia chủ vào nhà làm lễ dâng hương tổ tiên.
Xem thêm “Lễ Tục Thờ Phụng Tổ Tiên Trong Gia Đình Người Việt”
Lời khấn dâng hương tổ tiên trong lễ giao thừa
Việt Nam … tháng … ngày … Trừ tịch năm … Tự tôn là … cùng gia quyến con cháu trai gái sửa soạn cỗ bàn, trầu rượu, hoa quả, kính dâng lên:
Chư vị tổ tiên trong nhà
Ông nội là … hiệu phủ quân. Bà nội là … công Chánh thất.
Cha là … hiệu phủ quân. Mẹ là … công Chánh thất.
Kính thưa rằng:
Nay theo vật luận, tống cựu nghinh tân, giờ Tý đầu xuân, mưa móc thấm nhuần, đón mừng Nguyên Đán.
Cháu con tưởng niệm, nội ngoại tổ tiên, kính cẩn dâng lên, lễ nghi phẩm vật.
Cúi xin chứng giám, biểu lộ lòng thành, thỉnh các tiên linh, cùng về âm hưởng.
Tôn linh tại thượng, phù hộ độ trì, năm mới mọi bề, bình an khang thái.
Cẩn cáo.
Sau khi cúng giao thừa xong, các gia chủ cúng khấn Thổ Công.
Tục đốt pháo giao thừa đã hình thành với nhiều ý nghĩa. Trước hết, pháo nổ nghe sảng khoái, vui tai như một lời chào mừng của con người trước thiên nhiên. Năm mới đầy hy vọng đã tới, tiếng nổ âm vang trong trời đêm tĩnh mịch cũng sẽ xua đuổi mọi tà ma và điều rủi.
Nhưng những âm thanh này còn mang thêm một ý nghĩa sâu sắc nữa, đó là một lễ nghi nông nghiệp. Người Việt với bản sắc là cư dân trồng lúa nước, thấy rõ hơn ai hết mùa đông cằn cỗi, đất ngủ trời yên. Mùa xuân là mùa gieo hạt, cấy trồng, người ta đánh thức đất dậy, như tục gọi gạo, gọi sấm về.
Ở Việt Nam xưa kia, pháo là Tết, đốt pháo là để thắp lên ngọn lửa lạc quan cho cuộc sống. Pháo là chuỗi cười giòn tan tưởng chừng như vô tận của một năm mới bắt đầu.
Mấy tục lệ trong đêm trừ tịch
Sau khi làm lễ giao thừa, người Việt thường kéo nhau đi lễ các đình chùa, miếu, điện để xin Phật, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình. Nhiều người xin lộc bằng cách đốt một nắm hương hoặc một cây hương lớn, đứng khấn vái trước ban thờ, rồi mang về vài ba nén hương.
Gọi là hương lộc để cắm vào bình hương bàn thờ Tổ tiên hoặc bàn thờ Thổ Công ở nhà. Ngọn lửa tượng trưng cho sự phát đạt, người ta cho rằng lấy lửa từ các nơi thờ mang về tức là mong Phật, Thánh phù hộ cho năm mới được thịnh vượng, tốt lộc quanh năm.
Cũng có nhiều người lễ xong, xin lộc ở vườn chùa mang về dắt dưới mái nhà gian giữa trước bàn thờ gia tiên, gọi là hái lộc. Nhưng người ta thường hái lộc ở cây đa đầu làng, vì đa là loài sống lâu năm, tượng trưng cho tuổi thọ và đa còn có nghĩa là nhiều – nhiều con, nhiều tiền.
Mọi người thường chọn cành cây hướng về phía Đông, lá sạch, không sâu, cành đẹp, có búp thì mới tốt. Trước khi hái, người ta còn phải đếm số lá trên cành, nếu số lá chẵn thì đi buôn, đẻ con không tốt, nhưng đi hỏi vợ thì lại tốt (vì chẵn là đủ đôi).
Xin lá xong thì niệm chú “Xin lộc lấy may” rồi mới ngắt. Người đi hái lộc nhất thiết không được cho lộc vì như thế sẽ bị mất lộc.
Lễ Chính Đán
Sang ngày mồng Một Tết, các gia đình lại bày cỗ cúng ông bà ông vải tại bàn thờ gia tiên, gọi là lễ Chính Đán. Lễ phẩm gồm tất cả những thứ đã chuẩn bị từ trong Tết. Lễ Chính Đán là lễ cúng long trọng nhất trong các lễ cúng tết Nguyên Đán, mở đầu cho cả năm nên được các gia đình rất chú trọng.
Sự bày biện mâm cỗ tươm tất không những có ý nghĩa biểu hiện lòng hiếu thảo, tôn kính của con cháu đối với tổ tiên, mà còn là một dịp trình diện với xóm làng về khả năng lo liệu tết nhất của mình. Những người con thứ đã ra ở riêng, hoặc thuộc các ngành thứ, làm cỗ đơm ở nhà trưởng để cúng ông bà
Ngày xưa, cúng
gia tiên xong, các hàng chú bác và con cháu mọi gia đình lại đi đến nhà thờ Tổ
làm lễ tế Tổ. Các bậc hào trưởng, hương lý ra đình
làm lễ tế Thần. Tế Tổ và tế Thần theo nghi thức trọng thể, hết cả buổi sáng.
Nhiều nơi có tục tế đình xong, một số quan viên đại diện cả làng đi lễ yết các
cửa họ.
Những người
cùng một họ (chỉ riêng đàn ông), sau khi lễ Tổ tiên các nhà trong chi họ mình rồi
đến lễ tổ tiên các nhà chi trên và chi dưới, đồng thời chúc Tết. Họ lớn thì an
hem trong gia đình cắt đặt nhau đi lễ hết chỉ trong ngày mồng Một Tết.
Người đi lễ
Tết phải lễ trước bàn thờ gia tiên bốn lạy ba vái, chúc mừng năm mới gia chủ, rồi
mới ngồi nói chuyện, uống nước ăn trầu. Ngày Tết có lệ bất cứ ai đến, không kể
giờ giấc nào, xong tuần trầu nước, cũng mời uống rượu, ăn cỗ, ăn bánh. Khách
cũng phải giữ lễ nhấm nháp chút rượu, ăn bánh hoặc mứt.
Ngày nay, việc tổ chức đi thăm họ hàng, làm cơm cúng đầu năm không nhất thiết phải tuân thủ theo thời gian nghiêm ngặt. Có gia đình chỉ cúng chiều 30, có nhà lại cúng sáng mồng Một. Tuy nhiên, gia đình nào cũng làm lễ này và rất thành kính khi làm lễ.
Đọc thêm bài viết “Những Lễ Nghi Kiêng Kị Trong Việc Cúng Gia Tiên”
Cũng trong ngày này, nhiều gia đình mang lễ vật lên đình, chùa, đền, miếu đi lễ thắp hương cúng bái. Cúng ở chùa với các lễ phẩm chỉ là oản, chuối, hương hoa chứ không bày cỗ mặn.
Mẫu văn khấn như sau:
Hôm nay là ngày … tháng … năm … Con (hoặc cháu) là … nguyên quán tại … hiện ở tại …
Nay nhân dịp đầu năm, xin dọn dẹp từ đường, sửa soạn lễ nghi, thỉnh tổ tiên liệt vị, kính cẩn thưa rằng:
Nay theo tuế luật
Mồng một đầu xuân
Mưa móc thấm nhuần
Đón mừng nguyên đán
Cháu con tưởng niệm
Nội ngoại tổ tiên
Kính cẩn dâng lên
Lễ nghi vật phẩm
Cúi xin chứng giám
Biểu lộ lòng thành
Thỉnh cáo tiên linh
Cùng về âm hưởng
Tôn linh tại thượng
Phù hộ độ trì
Năm mới mọi bề
Yên vui khang thái.
Cẩn cáo.
Lễ cúng đưa
Với quan niệm “Âm dương nhị đồng nhất lý”, nghĩa là đã có mời thì phải có đưa mới đúng lễ. Vì cúng vào chiều ba mươi Tết với mong muốn mời Tổ tiên về ăn Tết, thì lễ cúng vào ngày mồng ba là để tiễn các cụ trở lại thế giới bên kia. Đậy là một phần trong các lễ cúng tết Nguyên Đán.
Lễ phẩm giống như món đã lễ trong các ngày Tết, chỉ thêm đĩa xôi, con gà và thay mới hương hoa, trầu cau. Trong lời khấn, gia chủ cần chú ý ba điều: cảm tạ tổ tiên đã về với con cháu; nay tiễn đưa, mong các vị phù hộ con cháu, con cháu có điều gì khiếm khuyết xin các vị tha thứ.
Cúng đưa xong là làm lễ hóa vàng. Vàng mã làm bằng giấy tượng trưng cho đồ dùng của người đã khuất lúc sinh thời. Nhân ngày Tết, để biểu hiện lòng hiếu thảo của mình, con cháu đã mua sắm những thứ đó để tổ tiên dùng.
Người ta hóa vàng ở giữa sân hoặc ở một nơi góc vườn sạch sẽ, thắp hương biện lễ rồi châm lửa đốt cho đến lúc tất cả đều cháy xong. Nhà nào cẩn thận thì mời thầy cúng đến làm lễ trước lúc hóa.
Hóa vàng xong, việc cúng đơm ngày Tết Nguyên đán trong các gia đình coi như tạm ổn. Gia chủ có thể tham gia những nghi lễ chung của cộng đồng như Khai canh, Khai sơn, Cầu xuân và hội hè đình đám của làng. Tuy nhiên, nếu ai có điều kiện thì vẫn cứ tiếp tục thờ phụng trong nhà. Trong thực tế, nhiều nhà kéo dài đến lễ Khai Hạ.
Lễ Khai Hạ
Lễ cúng Tết Nguyên Đán kết thúc bằng lễ Khai Hạ cũng đồng thời làm lễ hạ cây nêu, được cử hành vào ngày mồng bảy Tết. Theo sách “Chiêm tuế sự thư”, tháng đầu năm, mồng một là ngày con gà, mồng hai là ngày con chó, mồng ba là ngày con lợn, mồng bốn là ngày con dê, mồng năm là ngày con trâu, mồng sáu là ngày con ngựa, mồng bảy là ngày con người, mồng tám là ngày của lúa.
Đây vốn là lối bói: nghiệm đầu tháng Giêng, tám ngày ấy, hễ ngày nào tạnh ráo thì giống thuộc về ngày ấy cả năm được tốt. Cho nên đến ngày mồng bảy, thấy trời sáng sủa, không mưa gió, người ta cho rằng cả năm con người sẽ được khỏe mạnh, do đó tổ chức tiệc ăn mừng.
Lễ vật dâng cúng là cỗ mặn với đầy đủ các món. Đây là bữa ăn Tết cuối cùng nên con cháu thường tụ tập đông đủ.
Tìm hiểu thêm về “Những Kiêng Kị Về Mâm Cỗ Cúng Trong Dân Gian”
Tục ăn Tết lại
Nhiều địa
phương có tập tục ăn Tết lại. Ra Giêng (trước hay sau Rằm) người ta gói tiếp đợt
bánh chưng khác để cho người than chưa kịp về ăn Tết hay để mời khách đột xuất
và cũng là để gia đình ăn Tết lại.
Đây là một biểu tượng văn hóa được kết lại từ hiện tượng có thực. Sự kiện vua Quang Trung cho quân tướng của mình ăn Tết Kỷ Dậu (1789) trước khi mở trận đánh giải phóng kinh thành và sự kiện dân thành Thăng Long tản cư chạy loạn giặc Thanh. Sau đó trở lại kinh thành, tổ chức ăn mừng kinh đô giải phóng.
Trước khi tiến đánh giải phóng Thăng Long, vua Quang Trung đã mở tiệc khao quân ở Tam Điệp, hôm đó là ngày 30 Tết Kỷ Dậu. Rồi nhà vua mật bảo với các tướng quân rằng: “Ta với các ngươi hãy tạm sửa lễ ăn Tết Nguyên Đán trước đã. Hẹn đến năm mới mùng Bảy thì vào thành Thăng Long sẽ mở tiệc lớn. Các ngươi hãy ghi nhớ lời ta xem có đúng không?”.
Nhưng chỉ đến mồng Năm Tết, vua Quang Trung đã tiến quân vào thành. Lại nói, trước đó dân thành Thăng Long đã chuẩn bị ăn Tết với đầy đủ các vật phẩm, nhưng do phải chạy loạn nên họ chỉ đem được rất ít, phần lớn bánh chưng phải vứt xuống ao.
Khi trở về, họ thử vớt bánh lên, thấy vẫn còn thơm ngon. Thì ra nước ao lạnh nên bánh không bị hỏng. Dân chúng cảm tạ thần linh đã giúp vua Quang Trung giải phóng kinh đô, cho họ được mở tiệc ăn Tết tại nhà.
Từ đó, nhiều nhà đã giữ lại cách thức ngâm bánh chưng ở dưới ao, dưới giếng nước, sau vớt lên ăn Tết lại. Hoặc tiện hơn là gói đợt bánh khác để ăn tới tận Rằm tháng Giêng, có khi tới tận cuối tháng.
Ăn Tết lại là một sinh hoạt văn hóa, một hành động tưởng niệm người anh hùng áo vải, người cho quân ta ăn Tết trước khi giải phóng Thăng Long và ăn Tết lại sau ngày đại thắng. Và đây cũng đã trở thành một nét nhân hậu, có trước có sau của người Việt đối với những người thân ở xa.