Cách Bài Trí Bàn Thờ Gia Tiên Đúng Phong Thủy

Từ xa xưa, trong mỗi gia đình người Việt đều có bàn thờ Tổ tiên. Ngoài bàn thờ gia tiên ở chính ngôi nhà chính, còn có nhiều bàn thờ khác như bàn thờ Thổ công (miền Nam gọi là bàn thờ ông Địa), bàn thờ Thánh sư, bàn thờ bà Cô ông Mãnh, bàn thờ Thần Tài, bàn thờ Tiền Chủ…

Gia đình
theo đạo Phật còn có bàn thờ Phật. Những người có căn đồng có bàn thờ Chư vị;
hoặc lập hẳn một ngôi điện tại một gian nhà riêng để thờ Thái thượng Lão quân,
thần Độc cước, Tề Thiên Đại Thánh, Trương Thiên Sứ…

Nhiều gia
đình còn lập bàn thờ Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn); Đức Thánh
Quan (Quan Vân Trường) để ma quỷ sợ uy thần không dám vãng lai quấy phá.

Mỗi bàn thờ
có sự bài trí khác nhau, song đều có bình hương, bài vị và ống hương, đèn
nến…

Ý nghĩa của bàn thờ Tổ tiên

Bàn thờ Tổ
tiên là bàn thờ chính trong mỗi gia đình Việt Nam. Người ta còn có sự phân biệt
giữa nhà thờ họ và nhà thờ trong từng gia đình.

Bàn thờ họ

Tất cả con
cháu cùng một dòng họ lập chung một bàn thờ vị Thủy tổ, gọi là từ đường của
dòng họ. Bàn thờ này có bài vị Thủy tổ dòng họ. Ngày xưa bài vị được ghi bằng
chữ Hán. Nhiều dòng họ không có nhà thờ riêng thì xây một đài lộ thiên dựng bia
đá, tên thụy, hiệu các Tổ tiên.

Mỗi khi có
giỗ tổ, hoặc có tế tự của một chi họ; thì cả họ hoặc riêng chi họ đó ra đài lộ
thiên cúng tế. Đài lộ thiên này là nơi để cúng tế, hoặc tổ chức các trò vui
trong ngày giỗ tổ dòng họ hoặc một chi họ. Cúng tế xong sẽ về nhà tộc trưởng
hoặc trưởng chi cùng ăn uống. Những dòng họ lớn, giàu có thường tổ chức trò vui
vào đêm hôm Tiên thường.

Có nhiều họ
có nhà thờ riêng với bàn thờ Thủy tổ để cho chi trưởng nam đời đời giữ hương
hỏa. Và chỉ khi nào ngành trưởng không có con trai nối dõi thì việc cúng bái
mới chuyển sang chi dưới.

Có họ, ngoài bàn thờ Thủy tổ chung, con cháu luân phiên nhau thờ tổ ở nhà riêng của mình. Song chỉ là trường hợp của những người đi xa quê hương, không thuận tiện dự ngày giỗ tổ hàng năm và lễ tổ trong dịp Tết được.

Tìm hiểu thêm về “Những Lễ Nghi Kiêng Kị Trong Việc Cúng Gia Tiên”

Nhà thờ chi

Nhiều họ lớn
chia thành nhiều chi. Mỗi chi lại đông con cháu nên ngoài việc tham gia ngày
giỗ tổ toàn họ còn có ngày giỗ tổ riêng của chi họ. Các chi đều có nhà thờ
riêng, gọi là Bản chi từ đường.

Hiện nay,
trên ban thờ nhiều gia đình ở nông thôn vẫn còn đặt bức hoành phi mang dòng chữ
nói rõ đó là từ đường của chi họ nào. Từ đường có nghĩa là nhà thờ. Trên bàn
thờ này có bài vị của ông tổ, nên gọi là Thần chủ bản chi. Thần chủ này
cũng như Thần chủ của Thủy tổ họ sẽ được thờ mãi mãi.

Người trong
chi họ có dành một số ruộng để lấy hoa lợi cúng giỗ, ruộng này gọi là Kỵ
điền
. Những ruộng này có thể là hương hỏa của tổ tiên để lại. Có thể là
ruộng của người họ hàng chung nhau tậu. Và cũng có thể là của một người trong
họ cúng để lấy hoa lợi chi cho việc tế tự.

Có họ có
những người phụ nữ đi lấy chồng, không có con, họ cúng tiền, cúng ruộng về họ
mình. Chi họ nhận những ruộng ấy làm ruộng kỵ, rồi khi người kia chết sẽ
thờ tại nhà thờ họ. Ngày giỗ người phụ nữ này sẽ do họ cúng, gọi là giỗ hậu
họ.

Bàn thờ gia đình

Bàn thờ
riêng của từng gia đình còn gọi là Gia từ, hay bàn thờ Gia tiên. Những gia đình
giàu có mới xây nhà thờ riêng cho gia đình. Còn phần lớn, bàn thờ gia tiên được
thiết lập ngay ở gian giữa nhà chính.

Những người
con thứ không cần phải có bàn thờ gia tiên vì không phải cúng giỗ. Nhưng vì
lòng thành kính với tổ tiên, họ vẫn lập bàn thờ để cúng vọng.

Bàn thờ vọng

Tục lập bàn
thờ vọng khá phổ biến, áp dụng cho con cháu sống xa quê . Họ hướng vọng về quê
hương bản quán, thờ cha mẹ và tổ tiên, hương khói trong những ngày giỗ, tế.
Vọng bái nghĩa là vái lạy từ xa.

Khi nghe tin
cha mẹ hoặc ông bà mất, con cháu chưa kịp về hay không thể về quê chịu tang,
cũng thiết lập hương án ngoài sân, hướng về quê làm lễ. Bàn thờ thiết lập như
vậy chỉ mang tính chất tạm thời; sau con cháu có điều kiện phải về cư tang ba
năm.

Bàn thờ vọng
chỉ đượ lập trong trường hợp biệt quán, ly hương. Những người con thứ, bất cứ
giàu nghèo, sang hèn thế nào; nếu ở gần đất tổ phụ, thì đến ngày giỗ, ngày tết,
phải có phận sự hoặc góp lễ. Hoặc đưa lễ đến nhà thờ họ hay nhà con trưởng làm
lễ.

Do đó không
có lệ lập bàn thờ vọng với con thứ ngay ở quê nhà. Nếu con trưởng khuyết hoặc
xa quê, thì người con thứ hai thế trưởng được lập bàn thờ chính. Còn bàn thờ ở
nhà người anh cả xa quê lại là bàn thờ vọng.

Khi muốn lập bàn thờ vọng, phải về quê báo cáo gia tiên tại bàn thờ chính. Sau khi xin phép chuyển một bát hương phụ hoặc mấy chân hương đến bàn thờ vọng. Bàn thờ vọng nên đặt thuận hướng về quê, để khi gia trưởng thắp hương vái lạy thì mặt sẽ hướng về phía quê hương. Nếu trong nhà đặt bàn thờ gia thần riêng, thì bàn thờ vọng phải đặt thấp hơn bàn thờ gia thần một ít.

Trang trí bàn thờ Tổ tiên

Nhà thờ ở
nông thôn thường có ba gian hai chái hoặc một gian hai chái. Và bàn thờ tổ bao
giờ cũng thiết lập ở gian giữa nhà chính; nếu không có nhà thờ riêng trong gia
đình. Bàn thờ Tổ gồm hai lớp

Lớp bên trong của bàn thờ Tổ

Lớp trong kê
sát ngang tường hậu, gồm: chiếc rương hòm thật lớn cao khoảng 1m, dài khoảng
trên 2m, rộng gần 2m. Mặt trước chiếc rương đóng nẹp chia làm 3 ô. Các ô này có
khi là ba chữ đại tự, có khi là những bức tranh được dán trong dịp tết. Trên
những nẹp có những đồng tiền. Trong rương đựng bát đĩa, nồi, sanh đồng để dùng
khi giỗ tết.

Những gia
đình khá giả thay chiếc rương bằng một chiếc bàn thờ to; một chiếc sập sơn son
thếp vàng lộng lẫy được kê trên bộ mễ cao khoảng 1m. Phía trước có tấm màn đỏ
che những mâm thau, đồ đồng cùng bát đĩa, được xếp dưới gầm sập.

Kê giữa chiếc rương hoặc sập có ít nhất hai chiếc mâm nhỏ chân quỳ; mặt hình chữ nhật: một chiếc bề dài độ 8 tấc, bề rộng khoảng 6 tấc. Chiếc mâm thứ hai nhỏ hơn một chút kê đằng sau chiếc thứ nhất. Cả hai chiếc cao chừng 4 tấc trông giống như hai chiếc bàn nhỏ, thấp, dùng để bày đồ lễ. Trong những ngày giỗ tết, cỗ được bày trên bàn thứ nhất, còn hoa quả, trầu nước bày ở chiếc mâm thứ hai nhỏ hơn.

Đọc thêm bài viết “Phong Tục Thờ Cúng Tổ Tiên Trong Gia Đình Người Việt”

Lớp hương án bên trong

Bên trong
cùng lớp trong là Thần chủ đựng trong long khám kê trên một chiếc bệ có độ cao
bằng hai chiếc mâm. Có nhiều gia đình không thờ Thần chủ, chỉ kê ở nơi đây một
chiếc kỷ; hoặc chiếc ngai tượng trưng cho ngôi vị tổ tiên.

Đối với
những gia đình giàu có, những đồ thờ này được sơn son thếp vàng. Riêng chiếc
ngai hay tay ngai đều mang hình đầu rồng. Rồng đứng đầu tứ linh được dùng trang
hoàng cho đồ tự khí. Trên chiếc mâm nhỏ, kê bên trong ở trước Thần chủ, hay
chiếc ngai có một cái tam sơn; một thứ đồ thờ để đặt trầu, chén rượu, ly nước,
đĩa trái cây trong những khi cúng giỗ.

Lớp bàn thờ
bên trong được ngăn với lớp bên ngoài bằng một bức y môn. Tức là một chiếc màn
thờ màu đỏ bằng the, nhiễu hay vải tùy theo gia cảnh. Chiếc y môn treo cao
thõng xuống che kín toàn bộ bàn thờ lớp bên trong.

Lớp bên ngoài bàn thờ Tổ

Lớp ngoài
bắt đầu từ y môn trở ra, bao gồm: một hương án kê gần sát y môn. Trên hương án
đặt một bình hương bằng sứ ở chính giữa để cắm hương khi cúng bái. Đằng sau
bình hương là một chiếc kỷ nhỏ, cao độ 3 phân, dài 50 phân, rộng 25 phân.

Đặt ba chiếc
đài có nắp và trên nắp có núm cầm lên trên chiếc kỷ nhỏ này. Khi mở nắp đài ra
nắp kê xuống dưới, đài đặt lên trên. Đài làm bằng gỗ được tiện rỗng dưới để khi
đặt lên trên nắp đài thì đài sẽ ăn khớp với nắp. Ba đài này dùng đựng chén rượu
nhỏ lúc cúng giỗ, còn ngày thường đài được đậy nắp để tránh bụi bặm.

Hai bên
thường để hai cây đèn cao khoảng 40 phân, chân tiện và lưng chùng có vành rộng
ra gọi là đĩa đèn. Ngày xưa, trong những lần cúng giỗ, người ta đặt lên hai cây
đèn này hai đĩa dầu lạc đốt bấc. Ngày nay, người ta câ trực tiếp bóng điện vào
hai cây đèn.

Các món đồ thờ tự tại lớp ngoài bàn thờ
Tổ

Gần hai bên bình
hương, ngoài hai cây đèn còn có hai con hạc đồng chầu hai bên. Trên đầu hai con
hạc có chỗ để thắp nến. Ở mé ngoài hai cây đèn , gần hai dầu hương án là hai
ống đựng hương. Hai ống hương bằng gỗ tiện miệng loe.

Ngoài các
thứ trên còn có lọ độc bình hoặc song bình bày trên hương án để cắm hoa. Còn
nếu dùng độc bình thì đối diện với độc bình là một chiếc mâm bồng bày ngũ quả
khi cúng giỗ.

Tất cả những
thứ như bàn, kỷ và chiếu ngai, đồ thờ trên hương án như kỷ nhỏ, đặt đèn, ống
hương… đều làm bằng gỗ mít để ít bị mối mọt, còn sang hơn thì sơn son thếp
vàng. Các gia đình giàu có dùng những đồ trên bằng đồng, gọi là bộ tam sự, ngũ
sự hay thất sự.

Trong bộ tam
sự, chiếc đỉnh đồng thay thế cho bình hương. Hai bên đỉnh là hai con hạc đồng,
mỏ ngậm bông hoa, trên đầu có chỗ cắm nến. Nếu là ngũ sự có thêm hai ống hương
và thất sự thì có thêm đôi đèn.

Ngoài ra,
các gia đình giàu có còn bày giá binh khí “bát bào lộc bộ” (là
8 loại bình khí của quân sĩ thời xưa) trước bàn thờ. Những đồ tự khí đối với
từng gia đình là vật quý vô cùng thiêng liêng. Dù túng thiếu đến đâu không một
ai dám đem cầm bán.

Chiếc y môn

Y môn là bức
màn vải đỏ, dùng làm bức màn ngăn cách lớp bàn thờ bên ngoài và lớp bàn thờ bên
trong. Chiếc “Y môn” gồm hai cảnh, xung quanh có thêu, được
treo thõng xuống che kín lớp bàn trong. Y môn có thể làm bằng nhiễu, the hoặc
vải màu đỏ. Trên cùng y môn có một dải lụa hoặc nhung the màu băng ngang. Trên
lớp băng ngang thường được thêu hoặc dán chữ đại tự.

Đèn treo

Người ta
thường treo trước y môn một chiếc đèn, dân gian gọi là tự đăng. Vào dịp
giỗ tế, chiếc đèn này được thắp suốt ngày đêm. Bởi người xưa cho rằng trong
những ngày này, hương hồn những người đã khuất luôn ngự trị trên bàn thờ. Và
ngọn đèn tượng trưng cho sự hiện diện của tổ tiên.

Đèn treo
ngày xưa thường là một đĩa dầu lạc hay dầu vừng… được đặt trong một chiếc đèn
lồng, sau là đèn ba dây thắp dầu lửa. Ngày nay, phần lớn người ta dùng đèn điện
hoặc nến.

Thần chủ

Trên bàn thờ
tổ của một dòng họ bao giờ cũng có riêng một thần chủ, thần chủ này được thờ
phụng mãi mãi. Đối với những gia đình giàu sang, muốn lập bàn thờ tại gia, lập
thần chủ để thờ thì phải có đủ thần chủ của cụ kỵ, ông cha, tức là cao, tằng,
tổ khảo.

Thần chủ làm
bằng gỗ táu (gỗ của loại cây sống ngàn năm), dài khoảng hai phân rưỡi. Ở giữa
đề tên họ, chức tước, còn hai bên ghi ngày giờ sinh, tử của tổ tiên.

Thường thì
Thần chủ được để trong long khám, khi nào cúng giỗ thì mới mở ra. Thần chủ chỉ
để thờ 4 đời trở xuống. Sang đời thứ 5, thần chủ của cao tổ được mai đi và nâng
bậc tằng, tổ, khảo lên bậc trên một bậc. Và đưa ông mới vào thế chân Thần chủ
khảo. Việc mai thần chủ cao tằng này gọi là Ngũ, đại mai thần chủ; nghĩa là
thần chủ sang đời thứ năm được chôn đi.

Gia phả

Bất cứ nhà
thờ nào trước đây đều cất giữ cuốn sổ ghi chép thế thứ trước sau cảu tổ tiên,
và các thế hệ nối tiếp nhau từ đời này sang đời khác. Cuốn sổ đó được gọi là
cuốn gia phả.

Sổ gia phả
ngày xưa được dùng bằng giấy sắc, viết rất rõ ràng, nắn nót để tỏ lòng thành
kính đối với tổ tiên. Gia phả thường được đặt trong khám hoặc trong một lớp
riêng để trên bàn thờ. Những dòng họ to, gia phả được chép hoặc in sao thành
nhiều bản cho mỗi chi họ một bản để con cháu hiểu rõ về tổ tiên mình.

Mỗi vị tổ
tiên đều được ghi trong gia phả với những dòng trích ngang; ngày tháng sinh tử,
tên họ, chức tước, có khi còn ghi cả tính tính, sở thích của các vị lúc sinh
thời. Trong đó còn ghi rõ vị nào tên gì, sinh ra những ai, ngành trưởng, ngành
thứ là những ai.

Trong gia
phả ghi chép đầy đủ cả công trạng của tổ tiên, sinh ở đâu, táng ở đâu. Được nơi
nào thờ phụng làm phúc thần hay thành hoàng làng đối với những người đã từng là
công thần, có công với dân với nước.

Hoành phi

Trong các
nhà thờ họ đều treo một tấm biển gỗ nằm ngang phía trên mặt trước của bàn thờ.
Chiều ngang tấm biển ăn suốt gian nhà, dài khoảng 3 thước, rộng khoảng 1 thước
đến 1 thước hai. Trên tấm biển đó khắc những chữ lớn, thường chỉ khắc được từ 3
đến 4 chữ. Tấm biển đó được gọi là bức hoàng phi.

Bức hoành
phi thường được sơn son thếp vàng, sơn đen chữ đỏ hoặc vàng hay chữ khảm xà cừ.
Có gia đình cầu kỳ làm bức hoành phi theo hình thức cuốn thư rất đẹp.

Nhà nghèo có
thể làm hoành phi bằng gỗ thường; hoặc tấm cót ép, đóng nẹp vuông vắn, dán lót
tấm giấy đỏ, viết Đại tự thay cho bức hoành phi. Ý nghĩa của Đại tự viết trên
hoành phi mang nội dung ca tụng công đức của tổ tiên hoặc tỏ lòng kính trọng
của con cháu đối với tổ tiên như:

  • Kính như tại: có nghĩa là con cháu kính trọng tổ tiên, như tổ tiên luôn luôn tại vị trên bàn thờ.
  • Phúc mãn đường:có nghĩa là gia đình đầy đủ phúc đức.
  • Bách thế bất thiên: bao giờ con cháu ăn ở cũng đúng mực, không thiên lệch.

Trên bức
hoành phi còn có ghi niên hiệu năm làm vào mùa, tháng nào. Nếu là bức hoành phi
do một người con cháu nào đó cúng thì có ghi tên tuổi người đó. Hoành phi có
ghi tên người cúng phần lớn là hoành phi treo tại các nhà thờ tổ họ hay trưởng
chi họ.

Câu đối

Ở hai cột
phái trước bàn thờ hoặc trên tường có treo mỗi bên một câu đối. Nhà khá giả
thường viết câu đối sơn son thếp vàng hay sơn đen khảm xà cừ. Còn nhà nghèo
thường chỉ viết câu đối trên giấy hồng.

Nói chung,
các bức hoành phi hay câu đối đều được viết bằng chữ Hán. Nhưng cũng có gia đình
viết cả câu đối và hoành phi bằng chữ Nôm. Cũng như bức hoành phi, nội dung câu
đối cũng nói lên lòng kính trọng của con cháu đối với tổ tiên hoặc ca tụng công
đức của tổ tiên. Ví dụ như:

Tổ tông công đức thiên niên thịnh
Tử hiếu tôn hiền vạn đại xương

Có nghĩa là:

Công đức tổ tông nghìn năm thịnh
Hiếu hiền con cháu vạn đời ngay

Câu đối này
nhà nào treo cũng được.

Hay câu đối
treo ở một gia đình mà ông cha xưa có ông với nước:

Tiên tổ phương danh lưu quốc sử
Tử tôn tính học kế gia phong

Đại ý là

Tiên tổ danh thơm ghi sử nước
Cháu con cố gắng học nối cơ nhà

Và câu đối
thứ ba đây treo ở gian nhà chơi hoặc gian bên cạnh giường thờ, nơi tiếp khách
để tả sự an nhàn của con cháu.

Sơn thủy thanh cao xuân bất tận
Thần tiên lạc thú cảnh trường sinh

Đại ý là:

Phong cảnh thanh cao xuân mãi mãi
Thần tiên vui thú cảnh đời đời

Bàn thờ người mới qua đời

Những người
mới qua đời không được thờ chung với bàn thờ gia tiên, mà phải lập bàn thờ
riêng ở gian bên. Bàn thờ người mới chết sơ sài hơn bàn thờ gia tiên, chỉ có
bàn hương một bệ dài, lọ hoa và bài vị.

Ngày nay, ngoài bài vị còn có bức chân dung hoặc bức tượng người quá cố. Bàn thờ riêng này có treo các bức trướng, câu đối của gia chủ hoặc của bạn bè thân hữu phúng viếng.

Tìm hiểu thêm “Những Nguyên Tắc Phong Thủy Trong Không Gian Thờ Cúng”

Thờ Bà Cô, Ông Mãnh

Theo quan
niệm của người Việt, bà cô, ông mãnh là những người con cháu trong gia đình
chết yểu; chưa dựng vợ gả chồng, gặp giờ linh nên trở nên linh thiêng. Sự linh
thiêng này gia chủ biết được qua sự báo mộng của người đã khuất. Và được những
người trong gia đình xác nhận qua một vài hiện tượng kỳ lạ xảy ra trong gia
đình sau khi người này chết.

Thực tế, bà cô, ông mãnh chết ngoài ba năm cũng được thờ chung trên bàn thờ tổ tiên. Nhưng vì tuổi nhỏ, không dám về hưởng lễ với các cụ trên một bàn thờ chung. Cũng giống như trên trần thế, ngày giỗ tết, con trẻ không được ngồi chung, ngang hàng với người lớn. Vì vậy, bàn thờ bà cô, ông mãnh thường được đặt dưới gầm hương án của bàn thờ tổ tiên.

Bàn thờ này
rất đơn giản, chỉ có một chiếc bệ đặt trên bài vị. Thậm chí, nhiều gia đình
không có cả bài vị. Trước bài vị là một bình hương nhỏ, có một vài ba chiếc đài
để đặt ly rượu, đĩa trầu cau, tách nước khi cúng, một cây đèn nhỏ. Những gia
đình có nhiều bà cô, ông mãnh được thờ chung một bàn thờ với một bát hương.
Nhưng cũng có nhà thờ mỗi bà cô, ông mãnh một bát hương riêng.

Gặp lúc gia
đình có trẻ nhỏ khó ở, người ta thường khấn xin bà cô, ông mãnh phù hộ cho đứa
trẻ ốm đau được mau khỏi. Khi cúng bà cô, ông mãnh, gia trưởng chỉ lâm râm
khấn, không lễ vì bà cô ông mãnh thuộc hàng cháu con.

Kết luận

Người Việt
thờ phụng tổ tiên chính là vì hiếu và vì sự biết ơn các bậc đã sinh ra mình,
nuôi nấng và tác thành cho mình. Cha mẹ sinh ra mình, mình không biết kính
hiếu, biết ơn thờ phụng thì không phải đạo làm con.

Cụ Đồ Chiểu
khi nhắc đến sự thờ phụng Tổ tiên có mấy câu thơ sau:

Dầu đui mà giữ đạo nhà,
Còn hơn sáng mắt ông cha không thờ!
Dầu đui mà khỏi danh nhơ,
Còn hơn sáng mắt ăn dơ tanh rình!