Lễ Thờ Cúng Táo Quân Ngày 23 Tháng Chạp Âm Lịch

Người Việt xưa cho rằng mỗi gia đình đều có một vị thần Bếp hay còn gọi là ông Táo, Táo Quân hay Thổ Công. Đây là vị thần trông coi mọi hoạt động của gia chủ, ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư. Do vậy theo dân gian thì đây là thần liên quan đến việc họa, phúc của mỗi gia chủ nên hàng năm vẫn thường thờ cúng Táo Quân vào ngày 23 tháng Chạp.

Truyền thuyết về Táo Quân trong dân gian

Theo dân
gian thì Táo quân gồm có 3 vị (hai Táo ông, một Táo bà) và truyền thuyết về sự
tích như sau:

Xưa có người tên là Trọng Cao, lấy vợ là Thị Nhi nhưng ăn ở với nhau đã lâu mà đường con cai muộn mằn, sinh ra buồn phiền, xích mích. Một hôm, Trọng Cao đánh vợ nên Thị Nhi bực tức bỏ nhà ra đi và gặp Phạm Lang tạo cuộc sống mới nên vợ chồng.

Trọng Cao ân hận bỏ công việc làm ăn đi khắp nơi tìm vợ và trở thành người hành khất cho qua ngày. Có lần Trọng Cao vào một nhà ăn xin, được bà chủ mang cơm ra đãi. Trọng Cao nhận ra bà chủ là Thị Nhi và bà chủ cũng nhận rõ người hành khất là chồng cũ của mình.

Hai người ân hận, hàn thuyên tâm sự nhưng lại sợ Phạm Lang về bắt gặp thì khó nói nên Thị Nhi đã bảo Trọng Cao ẩn mình vào trong đống rơm ngoài vườn để nàng tìm cách lo liệu cho êm đẹp. Trọng Cao mệt mỏi ngủ thiếp đi trong đống rơm.

Lúc đó, Phạm Lang về nhớ ra việc thiếu tro bỏ ruộng, liền châm lửa đốt đống rơm. Sự việc nhanh chóng xảy ra. Thị Nhi chạy ra thấy vậy, quá xúc động thương tình liền nhảy vào đống lửa chết theo Trọng Cao. Thấy vợ chết cháy, Phạm Lang thương xót tiếp tục nhảy vào đống lửa đang cháy dở.

Như vậy, hai ông một bà đều chết cháy. Thượng đế thương tình ba người sống có nghĩa có tình nên phong cho làm Táo Quân và giao cho Phạm lang là Thổ Công trông nom việc trong bếp, Trọng Cao là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, còn Thị Nhi là Thổ Kỳ trộng nom việc chợ búa.

Tuy nhiên cũng có truyền thuyết lại nói rằng Thị Nhi đang hóa vàng, thấy chồng cũ lỡ vận nên đem tiền gạo ra cho nên bị Phạm Lang nghi ngờ, Thị Nhi liền nhảy vào đống lửa tự vẫn. Thấy vậy Trọng Cao nhảy theo vào đống lửa cùng chết cháy. Thượng đế biết sự việc phong cho làm Táo Quân.

Lễ cúng Táo Quân theo phong tục truyền thống

Theo lệ thông thường khi thờ cúng Táo Quân, thì chiều ngày 22 tháng Chạp làm lễ tiễn Táo Quân, để ngày 23 tháng Chạp ông Táo lên chầu trời, tấu trình mọi sự của gia chủ. Đến trưa ngày 30 tháng Chạp thì có mặt tại nhà tiếp tục công việc. Tuy vậy cho đến nay, các gia đình đa phần đều làm lễ tiễn Táo Quân lên chầu trời vào ngày 23 tháng Chạp.

Theo sách Nam Định địa dư chí của Tiến sĩ đốc hoạc Khiếu Năng Tĩnh thế kỷ XIX, mục phong tục thì mũ và áo của Táo Quân màu vàng. Nhưng lại có sách lại nói màu sắc tùy thuộc từng năm, ứng với các hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Bài vị thờ cúng Táo Quân thường chỉ đề: “Đông trù tư mệnh Táo phủ Thần Quân”

Hoặc đề: “Bản
Thổ phúc đức Tôn Thần” (Vị thần định sự phúc đức cho gia đình)

Cũng có nơi lại ghi bài vị: “Định phúc Táo Quân” (Ông Táo định việc phúc).

Tìm hiểu thêm về “Các Lễ Cúng Tết Nguyên Đán Truyền Thống”

Lễ vật thường để cúng Táo Quân ngày 23 tháng Chạp

Có người còn quan niệm khi thờ cúng Táo Quân là vị chủ thứ nhất của nhà: “Đệ nhất gia chi chủ” nên khi cúng lễ đều phải khấn Táo Quân trước. Lễ vật trên ban Thổ Công, ngoài mũ, áo, hia, bài vị còn có thêm cây mía (làm gậy chống), giấy vàng, giấy bạc, trầu cau, nước, hoa quả.

Là ngày lễ lớn đặc biệt nên 23 tháng Chạp thường có thêm mâm cỗ mặn (xôi, rượu, thịt), cá chép sống. Làm lễ xong sẽ phóng sinh cá ra ao hoặc sông hồ, cá sẽ hóa rồng đưa Thổ Công lên trời.

Mỗi gia đình sau khi sắp đủ lễ vật, sẽ thắp đèn hoặc nến sáng ban thờ rồi châm hương. Có người không dùng lửa ở đèn thờ để châm hương, mà dùng lửa khác để châm hương. Hương thường được dùng số lẻ 1, 3, 5 vì số lẻ thuộc Dương.

Theo dịch lý thì Dương tượng trưng cho Trời và cho sự nảy nở của muôn vật. Vì thế nên dùng số lẻ là như vậy. Và nếu trên ban thờ có hai, ba hoặc bốn bát nhang cũng đều phải châm số lượng nén hương như nhau.

Các bước tiến hành lễ cúng Táo Quân

Sau khi châm hương, người chủ gia đình vái bốn vái rồi đọc văn khấn hoặc khấn không có văn. Khấn xong lại vái tạ bốn vái (vái khác với bái “cúc cung bái” khi tế). Khi vái hoặc bái, hai bàn tay áp sát vào với nhau hoặc cài ngón vào nhau đều là biểu tượng của sự giao hòa, là cảm ứng của âm – dương nên không được chắp tay hoặc cài ngón cẩu thả, để so le.

Và điều cốt yếu khi vái hoặc bái, người thực thi phải tâm thành, phải trầm tư như trước mặt mình là Gia Thần, Gia tiên. Sự thành kính, nghiêm túc sẽ khiến cho Thần linh chứng giám. Nếu thiếu sự thành tâm, bày lễ lên lấy lệ, khấn vái không nghiêm túc thì đó là sự nhạo bang.

Khi cháy gần
hết tuần nhang, gia chủ thắp tiếp tuần nhang khác, vái bốn vái xin phép Gia thần,
Gia tiên hóa vàng (đốt giấy vàng, giấy tiền). Khi hóa xong thì đổ vào đống tro
một chén rượu (dân gian cho rằng đổ chén rượu vào đống tro thì cõi âm mới nhận
được số vàng mà cõi dương chuyển đến). Hóa vàng xong thì hạ lễ và khi hạ lễ
cũng phải vái bốn vái để xin phép.

Có luận điểm còn cho rằng việc thắp hương ba nén nhang là tượng trưng cho ba ngôi Trời, Đất, Người (Thiên, Địa, Nhân) là biểu hiện tương cảm, tương ứng của nguyên lý vũ trụ phương Đông.

Đọc thêm bài viết “Phong Tục Thờ Các Vị Thần Tại Gia Đình”

Ý nghĩa của việc cúng Táo Quân

Theo phong tục thì Ông Táo là vị Thần được Thượng Đế phân công cai quản ở một nhà nên khi gia đình có việc lễ đều phải kêu cầu tới ông Táo trước, để ông Táo biết việc làm của gia chủ, rồi mới lễ đến Gia tiên.

Như vậy, phần văn khấn thờ cúng Táo Quân trước, rồi mới khấn lễ tại ban thờ Gia tiên. Nếu ban thờ Gia thần cùng chung với ban thờ Gia tiên (hoặc chỉ thêm một bát hương Gia thần hơi cao hơn bát hương Gia tiên một chút) thì văn khấn cũng phải đọc phần Gia thần (Táo Quân) trước rồi sau đó mới khấn đến Gia tiên.

Sắm lễ vật cúng ngày Táo Quân

Việc cúng
tiễn ông Táo được thực hiện tại gia. Lễ cúng ông Táo gồm có:

  • Một
    mâm cỗ mặn, bánh, kẹo, trầu cau, rượu
  • Nhang
    thơm, hoa tươi, cùng các loại trái cây tươi
  • Ba
    bộ mũ áo, hia hài Táo Quân cùng vàng nén.
  • Ba
    con cá chép để Táo Quân cưỡi bay lên trời

Bài văn khấn ông Táo lên chầu Trời (ngày 23 tháng Chạp)

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

  • Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
  • Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ (chúng) con là …………………………………
Ngụ tại …………………………………………………

Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm vật, xiêm hài áo mũ, kính dâng Tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái. Chúng con xin kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án thụ hưởng lễ vật.

Cúi xin Tôn thần gia ân xóa tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, trẻ già sức khỏa dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.

Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Bài khấn Nôm cúng Táo Quân ngày 23 tháng Chạp

Hôm này là ngày … tháng … năm …
Tên tôi (hoặc con) là … cùng toàn gia ở thôn … xã … huyện … tỉnh …
Kính lạy đức “Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân”
(Có thể khấn thêm)
“Thổ địa Long mạch Tôn Thần”
“Ngũ phương ngũ thổ Phúc đức Chính Thần”

Hàng năm gặp tiết hết năm, tháng vừa cuối chạp
Gia đình sửa lễ bạc dâng lên
Cảm tạ phúc dày nhờ Thần phù hộ
Kính mong Thần tấu bẩm giúp cho:
Bên trong nếp sống rất hòa, ngoài mặt dám rằng cũng đẹp
Cảm thông xin tấu thực thà
Cầu trông giúp đỡ lợi lộc
Người người no ấm, cả nhà thêm tiếng tốt lẫy lừng.
Việc việc thành công, một cửa ngút khí lành man mác.
Muôn trông ơn đức vô cùng vậy!
Cẩn cáo (vái 3 vái)

Xem thêm “Những Kiêng Kị Về Mâm Cỗ Cúng Trong Dân Gian”

Một bài khấn cúng Táo Quân trong dân gian khác (ngày 23 tháng Chạp)

Kính lạy ngài “Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần Quân”
Con là … đồng gia … ở thôn … xã … huyện … tỉnh …
Nhân ngày 23 tháng Chạp, gia chủ chúng con, sửa biện hương hoa, phẩm vật áo mũ
Kính cẩn dâng lên, dốc lòng bái thỉnh
Phỏng theo tục lệ, kính lạy Gia thần
Đại xá lỗi lầm, gia ân giáng phúc
Ban tài ban lộc, giúp đỡ toàn gia
Lớn bé thuận hòa, khang ninh thịnh vượng
Cẩn cáo.

Ông Táo hay
ông thần bếp chính là người mục kích sự làm ăn của mọi gia đình. Ngày ông Táo về
chầu trời được xem như ngày đầu tiên của Tết Nguyên Đán. Sau khi tiễn đưa ông
Táo người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà Tổ tiên, treo
tranh, câu đối và cắm hoa ở những nơi trang trọng để chuẩn bị đón Tết.